Xây dựng hệ thống thông minh trong quản lý thuế thương mại điện tử
Hoàn thiện cơ sở pháp lý trước sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử
Sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của thương mại điện tử (TMĐT) trong thời gian qua đã đặt ra những thách thức mới, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Tuy nhiên, vừa qua, ngành Thuế đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Cơ bản người nộp thuế là cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT đã có ý thức tự giác kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật. Một số sàn giao dịch TMĐT đã có sự phối hợp tốt trong việc triển khai cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế. Cơ quan thuế đã tăng cường quản lý thuế và đưa vào diện quản lý thuế đối với rất nhiều cá nhân, tổ chức có kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT để tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở Đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đã được Bộ Tài chính phê duyệt, Kế hoạch tổng thể triển khai đề án và Kế hoạch chi tiết triển khai đề án, Tổng cục Thuế đã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực này.
Nguồn: Bộ Công Thương Đồ họa: Văn Chung |
Theo đó, đã triển khai sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật thuế về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT tại Luật Quản lý thuế, các luật thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quy định các tổ chức trung gian thanh toán, tổ chức là đối tác của các nhà cung cấp nền tảng số nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Cụ thể: tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin; khai thuế, nộp thuế thay cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile); triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ký kết các thỏa thuận hợp tác, phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế…
Với sự phát triển của nền kinh tế số, việc kinh doanh trên nền tảng số trở nên phổ biến. Theo báo cáo của Bộ Công thương, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động thương mại điện tử
Mặc dù đạt nhiều kết quả trong công tác quản lý thuế TMĐT, tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng cho rằng, còn nhiều khó khăn trong quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế; khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế; khó phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế; khó kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT; kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng…
Để tiếp tục quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài lớn đăng ký, kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành Thuế. Chú trọng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật.
Hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý thuế thương mại điện tử Trên cơ sở Đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đã được Bộ Tài chính phê duyệt, Kế hoạch tổng thể triển khai đề án và Kế hoạch chi tiết triển khai đề án, Tổng cục Thuế đã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực này. Theo đó, đã triển khai sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật thuế về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT tại Luật Quản lý thuế, các luật thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quy định các tổ chức trung gian thanh toán, tổ chức là đối tác của các nhà cung cấp nền tảng số nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. |
Bên cạnh đó, sẽ tích cực tham gia đàm phán xây dựng nội dung Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số; hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế cũng sẽ tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, sàn TMĐT,…) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng khả năng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tích hợp thông tin, xử lý dữ liệu lớn, hoạt động 24/7, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Đồng thời, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT, trong đó tập trung đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT…
Áp dụng trí tuệ nhân tạo xử lý dữ liệu Trong nhóm các giải pháp thời gian tới, được biết Tổng cục Thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT (kết hợp cơ sở dữ liệu từ hóa đơn điện tử, TMĐT). Theo đó, trên cơ sở thông tin thu thập được, cơ quan thuế sẽ áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phân tích, xử lý dữ liệu lớn đáp ứng quản lý thuế kịp thời, hiệu quả, hiện đại. Ngoài ra, triển khai xây dựng Cổng thông tin điện tử để các sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn theo hình thức điện tử. Tổng cục Thuế đã họp lấy ý kiến một số cục thuế, một số sàn giao dịch TMĐT và đã báo cáo Bộ về việc xây dựng Cổng thông tin điện tử để tiếp nhận thông tin, dữ liệu từ các sàn TMĐT; hiện nay đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, dự kiến vận hành, chạy thử trong tháng 11 để hoạt động chính thức trong tháng 12/2022. |
* Ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế:
Việt Nam thuộc “top” đầu ASEAN trong thu thuế thương mại điện tử
Việt Nam là 1 trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) thông qua một cổng thông tin điện tử trực tuyến, khẳng định quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số. Kết quả này đạt được là nhờ sự chỉ đạo toàn diện của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước…
Ông Đặng Ngọc Minh |
Sau hơn 6 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 36 NCCNN đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng. Trong đó có 6 NCCNN lớn gồm: Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ TMĐT kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD, EUR, tương đương hàng trăm tỷ đồng. Riêng Meta đã nộp 16,8 triệu Euro, Tiktok đã nộp 81,7 tỷ đồng…
Qua 6 tháng triển khai cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế dành cho NCCNN, cho thấy sự phối hợp, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của các NCCNN. Theo ước tính của Tổng cục Thuế, tổng số các NCCNN đã nộp thuế từ đầu năm đến nay xấp xỉ 1 nghìn tỷ đồng, qua Cổng thông tin điện tử ước tính khoảng 500 tỷ đồng.
Các NCCNN lớn (Meta, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple) đã chủ động phối hợp với cơ quan thuế để tìm hiểu các chính sách thuế, có các đề xuất, góp ý cho cơ quan thuế để hoàn thiện chính sách thuế, công cụ quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế. Điều này cũng cho thấy, chính sách thuế, quản lý thuế của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn thế giới khi kinh doanh tại Việt Nam.
* PGS TS. Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính):
Tín hiệu tích cực trong quản lý thuế thương mại điện tử
Để quản lý thuế hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới hiệu quả, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định triển khai Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động này; ký thỏa thuận phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương nhằm chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh TMĐT.
PGS TS. Lê Xuân Trường |
Trên cơ sở quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC, Tổng cục Thuế đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN kê khai và nộp thuế tại Việt Nam. Theo đó, NCCNN chỉ cần truy cập vào địa chỉ http://etaxvn.gdt.gov.vn để thực hiện các dịch vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp cho doanh thu phát sinh ở Việt Nam dù tổ chức, cá nhân không hiện diện ở Việt Nam. Toàn bộ các thủ tục về thuế nêu trên được thực hiện hoàn toàn theo phương thức điện tử. NCCNN ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều có thể đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế Việt Nam thông qua cổng thông tin điện tử này.
Theo nhiệm vụ được giao, cục thuế các địa phương đã chủ động, tích cực trong công tác quản lý thuế đối với TMĐT bằng nhiều giải pháp như: Thành lập các tổ nghiên cứu, ban chỉ đạo thuộc cục thuế đối với hoạt động TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số; tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh TMĐT…
Cơ quan thuế các cấp đã tiến hành rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, Youtube… để có thông báo yêu cầu kê khai, nộp thuế. Trên cơ sở dữ liệu thu thập ban đầu, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan công an để truy xuất dữ liệu, điều tra nắm bắt thông tin giao dịch kinh doanh; phối hợp với ngân hàng thương mại để truy xuất dòng tiền, thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định.
Kết quả đến nay, đã có 35 NCCNN đã đăng ký, kê khai thuế thành công với cơ quan thuế Việt Nam, đây là tín hiệu khá tích cực trong công tác quản lý thuế. Văn Tuấn (ghi)
*PGS. TS. Phạm Ngọc Dũng – nguyên Trưởng Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính):
Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới đang là mô hình kinh doanh tất yếu của thời đại công nghệ số. Song việc quản lý sẽ còn nhiều khó khăn, phức tạp trong xử lý các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới, không chỉ với Việt Nam, mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới.
PGS. TS. Phạm Ngọc Dũng |
Để từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, theo tôi cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Đầu tiên là hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có việc bổ sung các quy định về trách nhiệm của các nền tảng xuyên biên giới trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính, quảng cáo… gắn với trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp dịch vụ qua các nền tảng xuyên biên giới.
Cùng với đó, chúng ta cần nghiên cứu ban hành chính sách yêu cầu cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới bảo đảm tính minh bạch về nội dung và khả năng có thể giám sát được về mặt kỹ thuật. Điều này là không dễ dàng nhưng là yêu cầu cần thiết, bởi lẽ nhiều quy định trong tiêu chuẩn cộng đồng của một số nền tảng xuyên biên giới không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng cần nghiên cứu để có thỏa thuận cụ thể về mặt kỹ thuật giữa nhà quản lý với các nền tảng xuyên biên giới và đại lý của họ tại Việt Nam để có cơ chế thực thi rõ ràng.
Ngoài ra, chúng ta cần nghiên cứu ban hành chính sách yêu cầu các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới phải cung cấp sự rõ ràng cho người dùng về quy tắc kiểm duyệt của họ và các quyền khiếu nại của người dùng.
* Ông Nguyễn Văn Được – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín:
Lấy công nghệ thông tin làm nòng cốt
Thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã áp dụng nhiều giải pháp nghiệp vụ để quản lý thuế hoạt động TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới. Tuy nhiên, thực tiễn công tác quản lý thuế các hoạt động kinh doanh này còn gặp một số khó khăn như: xác định danh tính người nộp thuế, xác định giao dịch làm căn cứ tính thuế, xác định căn cứ đánh thuế… do đó, cần thiết phải thực hiện các giải pháp nghiệp vụ đặc thù để quản lý thuế.
Ông Nguyễn Văn Được |
Để quản lý thuế đối với TMĐT hiệu quả, ngành Thuế cần tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý thuế, trong đó, phải lấy công nghệ thông tin là nòng cốt để kiểm soát các giao dịch kinh doanh của người nộp thuế. Một trong những nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết ngay là xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet, làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế, hoặc thực hiện thanh tra, kiểm tra, ấn định thuế. Đồng thời, phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử một cách thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ tích hợp hiện đại để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng trong mô hình TMĐT thanh toán tiền mặt. Về lâu dài, cùng với việc sửa đổi quy định pháp luật về kê khai, nộp thuế, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số.
Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý và các bên liên quan để chia sẻ, kết nối, trao đổi thông tin, thu thập một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác các thông tin về các hoạt động TMĐT cũng như giá trị giao dịch, các thông tin thanh toán. Kịp thời xác định các hành vi vi phạm pháp luật thuế và có biện pháp phối hợp với ngành chức năng để xử lý, nhằm nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế.
* Ông Trương Công Khoái – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Đà Nẵng:
Xây dựng kho dữ liệu giao dịch để tham khảo giá tính thuế
Thực hiện công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, từ đầu năm 2022, Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo các phòng, chi cục thuế khu vực, quận thực hiện công tác quản lý thuế đối với hoạt động này và yêu cầu thực hiện rà soát, báo cáo kết quả định kỳ hàng tháng.
Ông Trương Công Khoái |
Theo đó, tính đến thời điểm tháng 9/2022, tổng số thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, môi trường mạng do Cục Thuế TP. Đà Nẵng đang quản lý thuế là 72,178 tỷ đồng. Trong đó, tổng số thuế mà doanh nghiệp (DN) đã kê khai và nộp 69,377 tỷ đồng, tổng số thuế hộ cá nhân kinh doanh đã nộp 2,801 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị xây dựng được cơ sở dữ liệu danh sách 335 website TMĐT của DN, 25 website TMĐT của cá nhân trên địa bàn phục vụ cho việc quản lý thuế và thực hiện kiểm tra, đối chiếu hồ sơ khai thuế.
Để việc cung cấp thông tin từ các sàn TMĐT được thuận lợi và thuận tiện cho DN trong việc cung cấp dữ liệu một lần, không chia nhỏ cho từng địa phương gây mất thời gian cho DN như hiện nay, Tổng cục Thuế cần đứng ra làm đầu mối đề nghị các sàn TMĐT cung cấp thông tin về hoạt động TMĐT trên cả nước và phân bổ dữ liệu về cho các cục thuế để thực hiện việc rà soát, quản lý thuế.
Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế đối với hoạt động này. Xây dựng kho dữ liệu của cơ quan thuế, tích hợp với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành chức năng liên quan, nhất là hệ thống ngân hàng và các nhà cung cấp mạng, viễn thông… cũng như tích hợp thông tin từ các sàn giao dịch trực tuyến, các website bán hàng, trang mạng xã hội nhằm đảm bảo đủ thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý thuế.
Sau khi có thông tin, dữ liệu từ các sàn TMĐT, các đơn vị vận chuyển cung cấp, cục thuế sẽ tiếp tục giao cho các phòng, chi cục thuế khu vực, quận quản lý, đối chiếu với tình hình kê khai của các công ty này để thực hiện đưa vào giám sát trọng điểm. Đi cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ cho người nộp thuế thực hiện việc kê khai và nộp thuế đối với hoạt động TMĐT.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
CÁC TIN KHÁC
- Vạch trần nhiều “chiêu” trục lợi tiền hoàn thuế 24 Tháng Chín, 2022
- Khai thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB 25 Tháng Bảy, 2022
- Tổng cục Thuế thông báo kết quả LCNT Thuê giám sát công tác triển khai dự án “Xây dựng, triển khai hệ thống hóa đơn điện tử” 23 Tháng Tám, 2022
- Thu ngân sách bằng 66,7% dự toán, phấn đấu vượt thu năm 2022. 7 Tháng Bảy, 2022
- Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất trong cả nước 22 Tháng Tám, 2022
- Quỹ tài chính ngoài ngân sách: Cơ cấu lại để hoạt động hiệu quả, thực chất 29 Tháng Bảy, 2022
- Công ty tài chính là gì? Quy định về hoạt động của công ty tài chính 22 Tháng Tám, 2022
- Tổng cục Thuế thông báo kết quả LCNT Thay thế hệ thống archive email Tổng cục Thuế và dịch vụ triển khai 23 Tháng Tám, 2022
- HƯỚNG DẪN CÁCH LÀM BÁO CÁO THUẾ 10 Tháng Bảy, 2022
- Bài 1: Rốt ráo chống thất thu thuế thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số 10 Tháng Mười, 2022