Ông Phạm Tấn Công phát biểu tại hội nghị.
Ông Phạm Tấn Công phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hồng Vân.

Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chương trình đối thoại năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu năm thứ 17 chương trình đối thoại giữa Bộ Tài chính với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành các cơ chế quản lý Nhà nước đối với ngành thuế – hải quan, hoặc phát sinh từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho biết: Đây cũng là cơ hội để củng cố quan hệ giữa cơ quan thuế – hải quan với cộng đồng doanh nghiệp trong chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận các cơ chế hợp tác phù hợp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của cả hai bên.

Trong bài phát biểu của mình, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh một số điểm quan trọng, qua đó thấy rõ các nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính đã mang lại những kết quả quan trọng và tác động thế nào đến môi trường hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, vào thời điểm chương trình đối thoại được thực hiện cách đây 16 năm, một trong những chỉ số theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2006 về Việt Nam thì chỉ số nộp thuế của Việt Nam đứng sau nhiều nước trong khu vực, sau cả Lào và Campuchia.

Song, đến nay ngành Tài chính đã quyết tâm thực hiện cải cách, với nỗ lực và phương châm hành động quyết liệt để thực hiện quy trình cải tiến thủ tục hành chính thuế, hải quan, bền bỉ, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại bằng các hình thức khác nhau nhằm lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.

Qua đó từng bước nâng cao thứ hạng của ngành trong xếp hạng quốc tế và đem lại những cải tiến tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp cả về quy trình thủ tục, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong cung ứng dịch vụ công, tự động hóa một số quy trình thủ tục, tư duy và phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại của cán bộ thuế – hải quan, giảm bớt sự chồng chéo trong giải quyết quy trình, thủ tục…

“Trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị này và qua theo dõi thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp, chúng tôi đã tiến hành thu thập thông tin, ý kiến góp ý của các doanh nghiệp bằng nhiều kênh và nhiệm vụ khác nhau. Trong chương trình hội nghị, Ban Tổ chức chọn mời các đại diện doanh nghiệp theo từng nội dung, vấn đề có tính phổ quát để xem xét giải quyết và trao đổi, toàn bộ các ý kiến, kiến nghị sẽ được tập hợp và trả lời bằng văn bản sau khi kết thúc hội nghị, đăng tải trên website của ngành và VCCI để quý vị theo dõi, thực hiện” – đại diện VCCI nêu.

Điểm nổi bật nhất trong các kiến nghị bên cạnh một số trường hợp cụ thể của doanh nghiệp có nội dung bắt nguồn từ một số thay đổi trong các văn bản luật, nghị định hướng dẫn, việc áp mã HS, mã số mã vạch, hàng quá cảnh, các mức thuế, phí, quy trình hoàn thuế phí… cũng được các doanh nghiệp kiến nghị hướng sửa đổi cụ thể.

Tất cả các ý kiến của doanh nghiệp đã được chuyển đến các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính trước hội nghị để xem xét, giải quyết đầy đủ.

Theo: thoibaotaichinhvietnam.vn