Văn bản nổi bật Tuần 38 năm 2022

Văn bản nổi bật Tuần 38 năm 2022

Văn bản nổi bật Tuần 38 năm 2022

Điều chỉnh lãi suất điều hành, quy định mới về tiền lương cán bộ, công chức cơ quan BHXH,… là nội dung nổi bật tại các văn bản được cập nhật từ ngày 19 – 25/9/2022.

1. Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành

Ngày 22/9/2022, NHNN ban hành Quyết định 1606/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN với các TCTD.

Theo đó, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4%/năm lên 5%/năm;

Tăng lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm;

Tăng lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các TCTD từ 5%/năm lên 6%/năm.

Bên cạnh đó, NHNN cũng ban hành Quyết định 1607/QĐ-NHNN ngày 22/9/2022 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại các TCTD.

Theo đó, lãi suất tối đa được áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới mức 1 tháng từ mức 0,2%/năm lên mức 0,5%/năm;

Tăng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm, riêng lãi suất tối đa bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm;

Tăng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Các quyết định này có hiệu lực từ ngày 23/9/2022.

2. Quy định mới về tiền lương cán bộ, công chức cơ quan BHXH

Đây là nội dung tại Quyết định 19/2022/QĐ-TTg về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2024 do Thủ tướng Chính phủ ban hành 22/9/2022.

Theo đó, mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động như sau:

– Mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định được áp dụng đối với các đối tượng sau đây trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

+ Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

+ Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;

+ Người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động – thương binh và xã hội.

– Tiền lương tăng thêm 0,8 lần nêu trên không bao gồm phụ cấp công vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp ưu đãi giáo dục, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ.

Tiền lương tăng thêm cũng không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và được thực hiện cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới.

3. Yêu cầu đối với động vật đưa vào giết mổ từ ngày 30/10/2022

Thông tư 10/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 14/9/2022.

Trong đó, yêu cầu đối với động vật đưa vào giết mổ được sửa đổi như sau:

– Động vật đưa vào giết mổ phải khỏe mạnh, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;

Đối với động vật bị tổn thương, kiệt sức do quá trình vận chuyển, không có khả năng phục hồi nhưng không có triệu chứng lâm sàng của bệnh truyền nhiễm được phép giết mổ trước.

– Có nguồn gốc rõ ràng, cụ thể như sau:

+ Có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh (đối với động vật có nguồn gốc từ địa bàn cấp tỉnh khác);

+ Có các giấy tờ như hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán, Giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc các giấy tờ tương đương khác hoặc được kê khai theo Điều 4 Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT (đối với động vật trong địa bàn cấp tỉnh) để có thể truy xuất nguồn gốc.

(So với hiện hành, giải thích cụ thể hơn cụm từ “có nguồn gốc rõ ràng”).

4. Bổ sung nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Nội dung đề cập tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Cụ thể, bổ sung nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ như sau:

– Đối với trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP khi đáp ứng các quy định sau:

+ Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua;

+ Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận;

– Thông tin về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 22 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

Theo thuvienphapluat.vn