Tạo cơ sở pháp lý thống nhất, thuận lợi

Theo Bộ Tài chính, Nghị định 126/2020/NĐ-CP (Nghị định 126) đã tạo cơ sở pháp lý để quản lý thuế theo hướng hiện đại, giảm thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhờ đó, công tác quản lý thuế (QLT) đã có những thay đổi theo hướng quản lý chặt chẽ nguồn thu theo quy định của các luật thuế, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN). Mô hình QLT được thay đổi theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường tính tuân thủ, thực thi pháp luật của người nộp thuế (NNT) và cơ quan QLT.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 126, có một số điểm quy định chưa rõ, cần phải sửa đổi, bổ sung để tạo cơ sở pháp lý thống nhất, thuận lợi cho việc thực hiện của NNT và công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thuế. Theo đó, ngày 11/3/2022, Bộ Tài chính đã có công văn số 2377/BTC-TCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126 theo trình tự, thủ tục rút gọn và nghị định có hiệu lực từ ngày ký. Ngày 1/4/2022, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn thông báo ý kiến của lãnh đạo Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính.

Nguồn: Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ. Đồ họa: Văn Chung

Thông tin về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) trong việc kê khai, nộp thuế và cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế, Bộ Tài chính cho biết, ngày 25/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP (Nghị định 85) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT đã đưa ra các hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT.

Theo đó, có 4 hình thức gồm: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ; mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại điểm a, b, c và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó. Trên các website của từng hình thức sàn giao dịch TMĐT nêu trên có hoặc không có “chức năng đặt hàng trực tuyến”.

Đồng thời, tại Nghị định 85 bổ sung quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, trong đó có quy định chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm: thông báo nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch TMĐT; là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng; lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật về kế toán; liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm.

Do đó xét về tổng thể, việc quy định sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn là phương án tối ưu trong việc QLT hiệu quả, góp phần cải cách TTHC, giảm đầu mối kê khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn TMĐT khai, nộp thuế thay để cắt giảm TTHC cho cơ quan thuế và NNT.

Bộ Tài chính cho biết, quy định này không trái quy định hiện hành tại các luật thuế bởi mọi hoạt động mua bán, từ khâu đặt hàng, vận chuyển, thanh toán, giải quyết khiếu kiện về hàng hóa, dịch vụ,… đều được thực hiện thông qua sàn và người mua hàng chỉ thực hiện các giao dịch thông qua sàn. Nên có thể hiểu sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến tham gia trực tiếp, đóng vai trò quyết định đối với từng giao dịch mua bán trên sàn và nắm được thông tin về doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân kinh doanh thông qua sàn để thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay một cách thuận lợi, đầy đủ.

Hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn

Thực hiện đề án quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đã được Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 2146/QĐ-BTC ngày 12/11/2021, Tổng cục Thuế đã triển khai thu thập thông tin, tài liệu tại một số sàn giao dịch TMĐT. Qua kiểm tra thực tế thì cơ bản sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến đều nắm được thông tin liên quan đến công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh thông qua sàn.

Các thông tin do chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp là quan trọng và cần thiết cho công tác quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn giao dịch TMĐT. Vì vậy, để triển khai việc yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thì cần thiết bổ sung tại nghị định của Chính phủ quy định về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin để có cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất.

Về việc khai thuế thay, nộp thuế thay đã được quy định khá đầy đủ tại khoản 5 Điều 7 Nghị định 126. Tuy nhiên, chưa có quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn TMĐT như quy định tại Nghị định 85. Vì vậy, để đồng bộ với quy định của pháp luật về TMĐT, nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thông qua sàn giao dịch TMĐT nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước, cần thiết bổ sung quy định trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay của chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT tại nghị định về quản lý thuế như là biện pháp điều hành của Chính phủ được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ.

Về trách nhiệm cung cấp thông tin, Bộ Tài chính cho biết, khoản 2 điều 27 Nghị định 126 đã quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, đối với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ TMĐT là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thì vẫn chưa có quy định rõ về nội dung thông tin phải cung cấp, hình thức và tần suất cung cấp thông tin.

Nêu quan điểm về sự cần thiết ban hành nghị định sửa đổi, PGS.TS Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), cho rằng thời gian qua, công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hành lang pháp lý cho quản lý thuế đối với TMĐT đã được hoàn thiện về cơ bản, tạo nền tảng vững chắc cho công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, trên thực tế công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh này vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó có cả những khoảng trống pháp lý cần được điều chỉnh, bổ sung. Do đó, việc ban hành nghị định là hết sức cần thiết. Nghị định được ban hành sẽ tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

*Ông Nguyễn Bằng Thắng – Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế):

Tín hiệu tích cực trong công tác quản lý thuế

Cắt giảm thủ tục, đầu mối kê khai, nộp thuế
Ông Nguyễn Bằng Thắng

Với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự bùng nổ của kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý thuế, kể cả các nước phát triển, cũng như tại Việt Nam.

Để tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT) trong việc kê khai, nộp thuế, ngày 21/3/2022 Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN). Cổng thông tin điện tử dành riêng cho NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam là một phương thức quản lý thuế mới, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.

Nếu như trước đây, thông qua cơ chế thu thuế nhà thầu nước ngoài, các NCCNN hoạt động xuyên biên giới phải ủy quyền cho các tổ chức trong nước đứng ra kê khai, nộp thuế thay cho họ, thì với sự ra đời của cổng thông tin điện tử này, cho dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, các NCCNN cũng có thể thực hiện được nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế Việt Nam một cách nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch nhất. Kết quả từ khi triển khai đến cuối tháng 8/2022, đã có 30 NCCNN đăng ký, kê khai thuế thành công, với tổng số thuế khoảng 20 triệu USD. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác QLT hoạt động TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số.

*PGS. TS Phạm Ngọc Dũng – nguyên Trưởng Khoa Tài chính công (Học viện Tài chính):

Bổ sung kinh doanh thương mại điện tử vào danh mục kinh doanh để quản lý thuế

Cắt giảm thủ tục, đầu mối kê khai, nộp thuế
PGS. TS Phạm Ngọc Dũng

Hệ thống luật pháp liên quan đến quản lý thuế đối với lĩnh vực giao dịch điện tử và TMĐT của Việt Nam đã được quy định. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, công tác quản lý thuế đối với một số hoạt động kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới của các công ty có trụ sở tại nước ngoài không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam như: Alibaba, Aliexpress, Amazon, Agoda, Traveloka, Booking, Expedia…, không tiến hành đăng ký kinh doanh nên cơ quan nhà nước khó theo dõi, quản lý, xác định đối tượng. Hơn nữa, một số hoạt động chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh, có hoạt động trên nền tảng xuyên biên giới đang trong tình trạng tranh cãi thuộc vào loại hình kinh doanh nào, dẫn đến khó khăn trong việc xác định bản chất, loại hình, mức thuế để đánh thuế hoạt động kinh doanh.

Kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới đang là mô hình kinh doanh tất yếu của thời đại công nghệ số, song việc quản lý còn nhiều khó khăn. Do đó, việc bổ sung các quy định về trách nhiệm của các nền tảng xuyên biên giới trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính…, gắn với trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp dịch vụ qua các nền tảng xuyên biên giới là hết sức cần thiết.