Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa được phép niêm yết giá do doanh nghiệp mình quyết định hay không? Việc niêm yết giá được thực hiện tại địa điểm nào vậy? Hoạt động niêm yết giá đối với hàng hóa có được xem là một hình thức công khai thông tin về giá hay không?
Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa được phép niêm yết giá do doanh nghiệp mình quyết định hay không? (Hình từ Internet)
Hoạt động niêm yết giá đối với hàng hóa có được xem là một hình thức công khai thông tin về giá hay không?
Căn cứ khoản 6 Điều 4 Luật Giá 2012 có quy định về niêm yết giá như sau:
- “6. Niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Theo đó, tại Điều 6 Luật Giá 2012 có quy định về hoạt động công khai giá như sau:
“Điều 6. Công khai thông tin về giá
- 1. Cơ quan nhà nước thực hiện công khai chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý, điều tiết, quyết định về giá của Nhà nước bằng một hoặc một số hình thức như họp báo, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức thích hợp khác.
- 2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ gắn với thông số kinh tế – kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ đó bằng hình thức niêm yết giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lựa chọn thêm một hoặc một số hình thức như họp báo, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức thích hợp khác.
- 3. Cơ quan thông tin, truyền thông có trách nhiệm đưa tin về giá chính xác, khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm về việc đưa tin theo quy định của pháp luật.
- 4. Việc công khai thông tin về giá quy định tại Điều này không áp dụng đối với trường hợp thông tin không được phép công khai theo quy định của pháp luật.”
Từ những quy định trên, có thể thấy niêm yết giá là một hình thức công khai thông tin về giá. Trong trường hợp khác, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lựa chọn thêm một hoặc một số hình thức như họp báo, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức thích hợp khác.
Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa được phép niêm yết giá do doanh nghiệp mình quyết định hay không?
Căn cứ khoản 5 Điều 12 Luật Giá 2012 có quy định về nghĩa vụ của tổ chức sản xuất, kinh doanh đối với hoạt động niêm yết giá như sau:
- “Điều 12. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh
- […]
- 5. Niêm yết giá:
- a) Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết;
- b) Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.”
Dựa vào quy định trên, có thể thấy doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chỉ được phép niêm yết giá do doanh nghiệp mình quyết định đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết.
Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa niêm yết giá tại địa điểm nào?
Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 177/2013/NĐ-CP, địa điểm thực hiện niêm yết giá được quy định như sau:
“Điều 17. Địa điểm thực hiện niêm yết giá
- 1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh (có quầy giao dịch và bán sản phẩm).
- 2. Siêu thị, trung tâm thương mại, chợ theo quy định của pháp luật, cửa hàng, cửa hiệu, ki-ốt, quầy hàng, nơi giao dịch thực hiện việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
- 3. Hội chợ triển lãm có bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
- 4. Các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.”
Đồng thời, Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP, quá trình niêm yết giá được thực hiện theo cách thức sau:
“Điều 18. Cách thức niêm yết giá
- 1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết.
- 2. Đồng tiền niêm yết giá là Đồng Việt Nam trừ trường hợp pháp luật có quy định riêng.
- 3. Giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó.”
Như vậy, pháp luật hiện hành quy định cụ thể đối với trường hợp niêm yết giá của doanh nghiệp sản xuất hàng hóa. Theo đó, địa điểm, cách thức giá niêm yết được quy định cụ thể như trên. (Nội dung bài viết mang tính chất tham khảo;)
Trích nguồn
Hồng Oanh