Hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững

Theo chiến lược, trọng tâm công tác quản lý thuế đến năm 2030 dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản, đó là: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới. Công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.

Về quy mô thu ngân sách, chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước (NSNN) bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 13 – 14% GDP; đến năm 2030, tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 16 – 17% GDP, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 14 – 15% GDP.

Cùng đó, chiến lược đã đề ra 13 chỉ tiêu chủ yếu và 5 nhóm mục tiêu cụ thể. Trong đó: Nhóm thứ nhất về mức độ hài lòng của người nộp thuế (NNT) được đưa lên đầu tiên. Điều này thể hiện sự hướng tới sự phục vụ NNT của cơ quan thuế và được cơ quan bên ngoài đánh giá một cách khách quan.

Nhóm thứ hai về cải cách thể chế quản lý thuế, chiến lược yêu cầu 100% Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được bổ sung hoặc ban hành mới đúng kế hoạch.

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Thế Dương

Nhóm thứ ba về mục tiêu hỗ trợ sự tuân thủ tự nguyện của NNT, chiến lược đặt ra mục tiêu, tỷ lệ hỗ trợ NNT được thực hiện qua phương thức điện tử đạt tối thiểu 70%; tỷ lệ hồ sơ đăng ký thuế được cơ quan thuế giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ nhận được đạt tối thiểu 80%; tỷ lệ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế bằng phương thức điện tử của NNT là doanh nghiệp, tổ chức đạt tối thiểu 98%; của cá nhân đạt tối thiểu 85%; tỷ lệ hồ sơ hoàn thuế, miễn, giảm thuế của NNT được cơ quan thuế giải quyết và trả kết quả đúng hạn đạt tối thiểu 98%.

Nhóm thứ tư về mục tiêu giám sát tuân thủ, tập trung vào lĩnh vực quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Theo đó, tỷ lệ tổng tiền thuế nợ đến thời điểm 31/12 hàng năm so với số thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN thu được trong năm không vượt quá 8% (trong đó phấn đấu tỷ lệ nợ đọng về thuế, phí dưới 5% tổng số thu NSNN). Tỷ lệ thu nợ đạt tối thiểu 80% nợ có khả năng thu thời điểm 31/12 năm trước chuyển sang.

Nhóm thứ năm về mục tiêu của lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo đó ngành Thuế cần xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung và đáp ứng 100% nhu cầu về thu thập, xử lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu cho công tác quản lý thuế và chỉ đạo điều hành của cơ quan thuế, cung cấp dịch vụ điện tử cho NNT…

Hạn chế lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật thuế

Đối với cải cách chính sách thuế, chiến lược yêu cầu tiếp tục cải cách gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật thuế và chính sách miễn, giảm, bảo đảm tính trung lập của thuế, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN; đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

Cùng với đó, chiến lược đã đề ra các giải pháp cải cách chính sách thuế cho 9 nhóm sắc thuế chính. Trong đó, về thuế giá trị gia tăng, chiến lược định hướng sẽ mở rộng cơ sở thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo lộ trình; sửa đổi, bổ sung các quy định về khấu trừ, hoàn thuế. Về thuế tiêu thụ đặc biệt, cần rà soát, sửa đổi bổ sung đối tượng chịu thuế, điều chỉnh thuế suất một số mặt hàng; xây dựng lộ trình tăng thuế đối với thuốc lá, bia, rượu. Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, cần đơn giản biểu thuế nhập khẩu; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; nghiên cứu, sửa đổi các quy định về hàng hóa xuất khẩu tại chỗ và các quy định liên quan đến khu phi thuế quan.

“Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, những năm qua, ngành Thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số”. – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh

Theo chiến lược, thuế thu nhập doanh nghiệp, tập trung sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; mở rộng cơ sở thuế phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế; thực hiện các tiêu chuẩn phòng, chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu. Về thuế thu nhập cá nhân, rà soát bổ sung đối tượng chịu thuế; điều chỉnh số lượng và các mức thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế, bản chất từng loại thu nhập… Về thuế tài nguyên, nghiên cứu sửa đổi quy định phương pháp tính thuế, giá tính thuế tài nguyên, sản lượng tài nguyên tính thuế; sửa đổi khung thuế, mức thuế và miễn, giảm thuế tài nguyên.

Ngoài ra, các loại thuế liên quan đến tài sản, tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà; hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến tài sản. Thuế bảo vệ môi trường cần được nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế; điều chỉnh khung và mức thuế bảo vệ môi trường…

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn