Đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội

Theo báo cáo của Chính phủ, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao, nhất là về tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 – 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Kịp thời ban hành, tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, ước cả năm GDP tăng trưởng cao hơn kế hoạch, được các tổ chức quốc tế có uy tín đồng thuận đánh giá cao. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước cả năm vượt 14,3% so với dự toán, tạo dư địa trong điều hành tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều hành phù hợp, hướng tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5%. Vốn FDI thực hiện ước đạt 21 – 22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4 – 11,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước tăng 10,7%, là động lực để nền kinh tế đẩy nhanh việc mở rộng năng lực sản xuất trong thời gian tới. Công tác điều hành giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng, dầu, sách giáo khoa được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, hiệu quả. Các khu vực kinh tế tăng trưởng tốt so với năm 2021. Cân đối điện, xăng dầu, lương thực được bảo đảm.

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế như còn 1/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, ước tăng khoảng 5,2% (mục tiêu đề ra là 5,5%). Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao. Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, chưa đạt kết quả như mong đợi. Thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội còn chậm…

Làm rõ bài học về phối hợp chỉ đạo, điều hành trong bối cảnh khó khăn

Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, năm 2022, Quốc hội, Chính phủ cùng với các cấp, các ngành đã thực hiện các giải pháp, trong đó có nhiều nội dung Quốc hội đã chủ động, kịp thời cùng với Chính phủ thực hiện giải quyết những vấn đề cấp bách trong đời sống, kinh tế – xã hội. Ví dụ Quốc hội đã cùng với Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì trong Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ hơn về một số vấn đề còn khó khăn, tồn tại cũng như một số vấn đề cần thực hiện, giải quyết. Ví dụ như việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội do Quốc hội ban hành; Chương trình Mục tiêu quốc gia vẫn còn triển khai chậm; tình trạng cháy nổ nghiêm trọng; tình trạng nghỉ việc trong công chức, viên chức có dấu hiệu cảnh báo…

Mặc dù Việt Nam được quốc tế đánh giá rất ấn tượng bởi sự tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát được kiểm soát hợp lý, tuy nhiên Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng phấn khởi nhưng không được chủ quan, bởi các yếu tố rủi ro suy giảm kinh tế và bất ổn tài chính thế giới vẫn đang hiện hữu trong thời gian tới.

Năm 2023: Tốc độ tăng CPI bình quân 4,5%

Với năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu về 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế – xã hội, môi trường. Trong đó: tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 – 25,8%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 – 6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 – 1,5%…

Nhấn mạnh về bài học kinh nghiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị báo cáo bổ sung, nhấn mạnh thêm kinh nghiệm trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa giữ vững ổn định kinh tế, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế ngay sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, phối hợp nhuần nhuyễn để đạt được cả hai mục tiêu trong điều kiện khó khăn. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là một kinh nghiệm quý giá cần phân tích kỹ. Bài học chống dịch này cần được áp dụng trong điều hành kinh tế, ứng phó các tình huống khẩn cấp.

Phát biểu thêm về một số vấn đề tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ thời gian qua, đặc biệt là năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có sự hỗ trợ, hợp tác và phối hợp rất tốt với Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề chung, trong đó có các vấn đề về kinh tế – xã hội và NSNN. Thời điểm hiện nay có nhiều phát sinh, do đó báo cáo việc thực hiện tình hình kinh tế – xã hội năm 2022, định hướng kế hoạch năm 2023 còn chậm.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận UBTVQH cơ bản đồng tình với các báo cáo. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu báo cáo cần bổ sung, làm rõ một số nội dung về ổn định hệ thống ngân hàng thương mại; giải pháp tháo gỡ và vai trò của Quốc hội, UBTVQH, đại biểu Quốc hội trong ban hành các quyết sách để phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội. Trong năm 2023, dự báo có nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó.

Thu ngân sách vượt cao góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

Tại phiên họp sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cơ bản thống nhất và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về kết quả thực hiện NSNN năm 2022, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2023; thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023; kế hoạch tài chính 3 năm 2023 – 2025.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, việc thực hiện dự toán thu NSNN năm 2022 ước vượt cao so với dự toán, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép đã góp phần vào phục hồi phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, nhiều bất cập, hạn chế trong quản lý điều hành ngân sách còn chậm được khắc phục… UBTVQH cũng cơ bản thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về dự toán, phân bổ NSTW và kế hoạch đầu tư công năm 2023 như Chính phủ trình.

UBTVQH cơ bản nhất trí với phương án xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2023 – 2025, đề nghị Chính phủ cần bám sát để đảm bảo tính thực tế, khả thi và đề nghị điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong điều kiện mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ Chương trình phục hồi; phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sắp xếp nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối các nguồn lực; tăng tỷ lệ thu nội địa để đạt mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, nguyên nhân và trách nhiệm trong việc thực hiện dự toán thu từ cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước…

UBTVQH cũng đồng ý trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn