Sản xuất kinh doanh phục hồi, hỗ trợ thu thuế nội địa tăng trưởng
17/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng thu nội địa (trừ dầu) 11 tháng ước đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, bằng 112,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,3% so với cùng kỳ. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 110,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 111,2% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và các khoản tăng thu do thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách kích cầu tiêu dùng thì tăng 8,5% so cùng kỳ.
Số thu từ dầu thô 11 tháng năm 2022 ước đạt 68,4 nghìn tỷ đồng, bằng 242,7% so với dự toán, bằng 176,2% so với cùng kỳ, trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 105,2 USD/thùng, bằng 175,3% so với giá dự toán, bằng 153,2% so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 7,82 triệu tấn, bằng 111,7 % dự toán, bằng 95,6% so với sản lượng cùng kỳ.
Cũng theo đánh giá của Tổng cục Thuế, so với dự toán, có 17/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 95%); 2/19 khoản có tiến độ thu chậm so với dự toán là: thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 68%; thu tiền cho thuê, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước ước đạt 60,7%. Tổng cục Thuế cho rằng, chỉ tiêu thu thuế bảo vệ môi trường chậm do thực hiện Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay, khiến chỉ tiêu thu này giảm mạnh so với cùng kỳ.
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Thế Dương |
Thông tin về một số nguyên nhân chủ yếu tác động đến kết quả thu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho rằng, tình hình kinh tế nước ta những tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường mới khi số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 đạt khoảng 178,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,3% (so với cùng kỳ năm trước). Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2022 tăng 9%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2022 tăng 20,2%.
Đáng chú ý, hoạt động du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa phục hồi mạnh mẽ (doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng năm 2022 tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước đã góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 11 tháng qua.
Dự báo thu ngân sách năm 2023 đối diện nhiều khó khăn
Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn đánh giá thêm, mặc dù thu ngân sách 11 tháng đã vượt dự toán, song đến nay một số ngành, lĩnh vực đã xuất hiện những khó khăn, thách thức do chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao liên tục khi giá xăng, dầu tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn như ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó đặc biệt là sắt thép (10 tháng 2022 giảm 15,3% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, một số ngành, lĩnh vực khác do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, nguồn nhiên liệu khan hiếm, thiếu hụt làm cho sản xuất trì trệ như: thiết bị công nghệ; điện thoại di động giảm 5,1%; tivi các loại giảm 1,4%;… Mặc dù kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên áp lực từ sức ép lạm phát trên thế giới tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác…, sẽ là những áp lực cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN của ngành Thuế trong tháng cuối năm và năm 2023.
60/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán khá Lũy kế 11 tháng năm 2022, có 60/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán khá (đạt trên 95%) so với dự toán; còn 3/63 địa phương có tiến độ thực hiện đạt thấp (dưới 95%) so với dự toán. Còn nếu so với cùng kỳ, có 50/63 địa phương có tăng trưởng thu; 13/63 địa phương có số thu thấp hơn so với cùng kỳ. |
Từ những khó khăn trên, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, ngành Thuế tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách đã ban hành, nâng cao hiệu quả các gói chính sách; tham mưu các giải pháp căn cơ về tài khóa, tiền tệ, về đầu tư, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng nền kinh tế…
Đồng thời, ngành Thuế tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp về quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế, kiểm soát chặt công tác hoàn thuế giá trị gia tăng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, chỉ tiêu thu nợ; thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và theo đúng hướng dẫn tại quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp. Ngoài ra, ngành Thuế tiếp tục tổ chức triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế…
Theo: thoibaotaichinhvietnam.vn
CÁC TIN KHÁC
- Phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu thị trường 11 Tháng Tám, 2022
- Tổng cục Hải quan yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, chống gian lận trong hoàn thuế 26 Tháng Mười, 2022
- Doanh nghiệp của 60 doanh nhân tiêu biểu nộp ngân sách gần 148 nghìn tỷ đồng 12 Tháng Mười, 2022
- Hướng dẫn hạch toán chế độ kế toán DN theo Thông tư số 200 /2014/TT-BTC 30 Tháng Mười Một, 2017
- Nhà đang trả góp có phải là di sản thừa kế? 2 Tháng Bảy, 2022
- Cao điểm chống hàng lậu, hàng giả dịp cuối năm 6 Tháng Mười Hai, 2022
- Xử lý gian lận thuế chuyển nhượng bất động sản: Cần giao chức năng điều tra cho cơ quan thuế 29 Tháng Mười, 2022
- Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chức năng cảnh báo sử dụng hóa đơn điện tử 10 Tháng Năm, 2024
- Trách nhiệm chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu hóa đơn điện tử 31 Tháng Mười, 2022
- Long An: Tăng cường phối hợp, bảo đảm thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ 13 Tháng Tám, 2022