PV: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và 1 loạt ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng tăng thêm 1% lãi suất điều hành. Điều này đang đặt ra những thách thức mới đối với nền kinh tế Việt Nam trong quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát sau dịch Covid-19. Ông nhận định như thế nào về tình hình này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chính phủ đặt ra mức tăng trưởng 6 – 6,5% là mức tương đối an toàn. Nhưng theo quan sát từ thực tế, không cần các gói hỗ trợ mới mà chỉ cần triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ như năm 2021 (giảm thuế, giãn giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp) thì kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng 7,5% và có thể cao hơn. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 có thể là 7,2%…

Tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn 7,5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, giá nhiên liệu, trực tiếp là xăng dầu tăng đột biến, do xung đột Ukraine – Nga. Tháng 6/2022, tôi có đưa ra nhận định có thể tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 7 – 7,5% thì lạm phát nằm ở khoảng từ 3 – 3,6%.

Tuy nhiên hiện nay giá xăng dầu và giá nhiều loại mặt hàng đầu vào của nền kinh tế giảm từ cuối quý III/2022, đặc biệt là giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm, kéo theo giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh đã giảm sâu bằng mức giá của đầu năm 2022.

Tại diễn đàn kinh tế – xã hội của Quốc hội diễn ra vào 19/9/2022, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay tôi có nhận định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt được mức tăng trưởng 7 – 7,5%, với chỉ số lạm phát khoảng 2,9% đến 3,3%. Còn ở mức tăng trưởng 8 – 8,5% thì chỉ số lạm phát ở mức dưới 4% (3,5 – 3,8%).

PV: Việc FED và ngân hàng trung ương nhiều nước đã điều chỉnh tăng lãi suất đòi hỏi Việt Nam ứng phó ra sao, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Về vấn đề này, trong cuộc họp tham vấn của lãnh đạo NHNN với 10 chuyên gia kinh tế mới đây, tôi cho rằng, cần đưa ra giải pháp thích hợp trên yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ đặt ra hiện nay là “ổn định vĩ mô và tăng trưởng”, giúp doanh nghiệp hồi phục và phát triển.

Có thể nói rằng sự phục hồi của doanh nghiệp hiện nay rất tốt. Nhiều doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19. Vì vậy, tôi cho rằng bối cảnh hiện nay cần hướng đến phát triển bền vững của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Trong bối cảnh hiện nay, tôi cũng có đề nghị với lãnh đạo NHNN có thể nâng lãi suất điều hành từ 0,5 – 1% là hợp lý, vẫn đảm bảo thực hiện yêu cầu giữ ổn định nền kinh tế, vì lo ngại tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Văn Chung

Khi USD tăng rất mạnh, tỷ giá hối đoái tăng mạnh buộc NHNN phải điều chỉnh tăng theo, sau đó, tùy tình hình thực tế điều chỉnh giảm về mức mong muốn.

Hơn nữa, thực tế khi NHNN giữ tỷ giá đồng Việt Nam (VND) với USD thì VND sẽ lên giá so với các đồng tiền khác, như vậy mở ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

PV: Giữ biên độ tăng lãi suất điều hành 1% sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế, ông có thể cho biết cụ thể hơn về nhận định này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trên thực tế, Mỹ nâng lãi suất để nâng giá trị USD từ đó giảm lạm phát và phục vụ mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam nếu giữ được ổn định VND với USD thì có nghĩa là VND lên giá so với các đồng tiền khác.

Điểm lợi là khi USD lên giá rõ ràng lãi suất USD sẽ cao so với các đồng tiền khác, như Bảng Anh, Yên Nhật, Euro muốn giữ được giá trị buộc phải tăng lãi suất. Mà thực tế Ngân hàng Trung ương Anh cũng đã tăng lãi suất.

Xu thế này cũng buộc VND phải tăng để đảm bảo cho mức lãi suất giữa USD và VND không chênh nhau quá. Đồng thời, Việt Nam giữ ổn định tỷ giá đồng tiền Việt Nam với USD bằng biện pháp NHNN bán USD ra thị trường và vẫn giữ được tỷ giá, có nghĩa là đồng tiền Việt Nam lên giá so với đồng tiền khác. Như vậy chỉ cần tăng nhẹ lãi suất nhưng giảm được áp lực chênh lệch tỷ giá, giảm chênh lệch lãi suất giữa USD và VND.

Giữ ổn định đồng tiền đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đồng tiền Việt Nam mạnh lên cũng sẽ tạo môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào Việt Nam, điều này giải thích cho việc mặc dù 2 năm qua chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng do tỷ giá đồng Việt Nam và USD ở mức ổn định, nên các nhà đầu tư vẫn giải ngân nhiều hơn. Tháng 9/2022 giải ngân tăng 10,7% so với cùng kỳ cho thấy lượng ngoại tệ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, góp phần giảm áp lực tăng tỷ giá. Nền kinh tế giữ ổn định, tăng nhẹ lãi suất giúp cho nền kinh tế Việt Nam giữ được trạng thái cân bằng, có dư địa, lợi thế trong xuất nhập khẩu hàng hóa cả chiều xuất khẩu, nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

PV: Việt Nam là quốc gia có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa lớn, đặc biệt trong những tháng cuối năm 2022 Chính phủ đang đặt mục tiêu cán mốc 800 tỷ USD. Vậy diễn biến lãi suất USD và nhiều đồng tiền khác tăng thêm sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu và kinh tế Việt Nam, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Có nhiều ý kiến đưa ra giải pháp là tăng lãi suất lên mức 7 – 8% để thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, tôi cho rằng giải pháp này không khả thi.

Như tôi đã phân tích, Việt Nam chỉ cần giữ ổn định tỷ giá với USD, vì hơn 70% hợp đồng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam được ký bằng USD. Như vậy, Việt Nam giữ được ổn định tỷ giá với USD thì doanh nghiệp Việt Nam ổn định được xuất khẩu (bán bằng USD, thu về bằng USD). Rõ ràng nhìn tổng thể nếu Việt Nam giữ được ổn định VND so với USD thì xuất nhập khẩu được lợi so với việc giảm lãi suất hoặc tăng lãi suất quá cao. Trong khi đó, nếu để VND mất giá sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, làm cho lạm phát tăng lên, bào mòn các loại lợi nhuận của doanh nghiệp, chưa kể nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam.

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn