Quỹ tài chính ngoài ngân sách: Cơ cấu lại để hoạt động hiệu quả, thực chất
Một số quỹ đã huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển
Những năm qua, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phát triển mạnh. Không thể phủ nhận, các quỹ này đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.
Tính đến thời điểm cuối năm 2021, ở trung ương có 27 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Mục tiêu hoạt động của các quỹ không vì lợi nhuận, tập trung chủ yếu vào các đối tượng yếu thế trong xã hội, hoặc các mục tiêu mang tính kỳ vọng trong tương lai.
Một số quỹ tài chính đã góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động, tập trung thêm được các nguồn lực tài chính thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, cũng như từng địa phương; giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước (NSNN). Các quỹ đã hỗ trợ NSNN đáp ứng kịp thời nhu cầu chi đột xuất như chi khắc phục thiên tai bão lụt, hạn hán… Các quỹ dự phòng, dự trữ, phòng, chống thiên tai trong thời gian qua đã đảm nhiệm khá tốt vai trò, nhiệm vụ cung cấp nguồn lực tài chính lớn, kịp thời bảo đảm đời sống và hoạt động sản xuất cho người dân.
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung |
Hiện nay, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chuyển một phần sang hình thức đầu tư, cung cấp nguồn tài chính chính sách cho các công trình, dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội như giao thông, điện, nước… có khả năng thu hồi vốn. Một phần nguồn vốn NSNN đã được quay vòng, luân chuyển hỗ trợ đầu tư cho nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác nhau. Điều này làm cho một mặt khả năng nguồn lực tài chính của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được tăng cường, sử dụng hiệu quả hơn; mặt khác, thúc đẩy các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn NSNN.
Bên cạnh đó, nguồn vốn NSNN được nhiều quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách xem là vốn mồi, là cơ sở để huy động thêm các nguồn vốn nhàn rỗi khác trong và ngoài nền kinh tế, tạo nguồn lực tài chính lớn, có tính chất ưu đãi để trợ giúp, đẩy mạnh hoạt động đầu tư đối với nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, nguồn tài chính hình thành các quỹ còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hoạt động độc lập với NSNN. Quy định về tỷ lệ thu, mức thu chưa hợp lý ở một số quỹ. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao…
Rà soát, cơ cấu lại kết hợp tăng cường quản lý, giám sát
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã rất kiên quyết trong đề nghị xóa bỏ một số loại quỹ, cũng như không đồng tình với đề xuất của một số bộ, ngành khi xây dựng luật thì luật nào cũng đề xuất có quỹ. Bộ Tài chính cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật quản lý chặt chẽ các quỹ này.
Trong khi chờ có luật, công tác quản lý đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cần được tăng cường. Hoạt động của các quỹ cần đi vào thực chất hơn, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Bộ Tài chính hiện đang rà soát tổng thể để từ đó có kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực tài chính quốc gia.
Nghiên cứu luật hóa việc tổ chức, hoạt động của các quỹĐể hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách, vào cuối năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện giám sát tình hình hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013 – 2018. Trong bản báo cáo khá chi tiết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Theo đó, quy định rõ thẩm quyền thành lập quỹ, nguồn thu, nhiệm vụ chi, cơ cấu hoạt động, cơ chế tài chính… Đồng thời, xem xét bãi bỏ một số quỹ hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn quy định tại các luật. |
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện rà soát, cơ cấu lại các quỹ tài chính nhà nước hiện hành để phát huy hiệu quả hoạt động quỹ, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Trên cơ sở kết quả rà soát, cần làm rõ được tính pháp lý và cơ chế sử dụng quản lý quỹ tài chính nhà nước đang hình thành và sử dụng ở trung ương và điạ phương; đánh giá, xem xét tính hiệu quả kinh tế – xã hội của từng loại quỹ qua thời gian hoạt động của các quỹ này.
Theo các chuyên gia kinh tế, không nên thành lập mới các quỹ tài chính nhà nước không có khả năng tài chính độc lập, đặc biệt là các quỹ có nguồn huy động, tài trợ chủ yếu từ NSNN; chỉ thành lập quỹ trong trường hợp cần thiết và phải đáp ứng đủ các yêu cầu, điều kiện đã quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cần được tăng cường giám sát, thanh tra và kiểm tra; bảo đảm quản lý, sử dụng có hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn lực tài chính nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các quỹ này, thực hiện công khai, minh bạch và xử lý nghiêm các sai phạm.
Hạn chế thành lập các quỹ mớiTrong dự thảo thông tư xây dựng dự toán NSNN năm 2023, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và các cơ quan, đơn vị ở địa phương được giao quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách báo cáo việc rà soát, cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục đích, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ hoặc không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN. Như vậy, trong báo cáo về thực hiện dự toán ngân sách hàng năm các bộ, ngành, địa phương đều phải báo cáo về rà soát các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Các quỹ tài chính ngoài ngân sách rất đa dạng và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, được quản lý bởi nhiều bộ, ngành và được thành lập ở các địa phương với quy mô, mức độ khác nhau. Các quỹ này hiện có thể phân loại theo chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động như: nhóm quỹ đầu tư phát triển hạ tầng, nhóm quỹ phát triển khoa học công nghệ, môi trường, nhóm quỹ an sinh, trật tự xã hội, nhóm quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nếu phân loại theo mối quan hệ với NSNN, có các quỹ hình thành và hoạt động độc lập với NSNN, có nguồn thu và nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu và nhiệm vụ chi của ngân sách; quỹ được ngân sách hỗ trợ vốn điều lệ, không hỗ trợ kinh phí hoạt động; quỹ được ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động và vốn điều lệ. Theo phân cấp quản lý, thì có quỹ trung ương quản lý; quỹ do địa phương quản lý; quỹ có phân cấp giữa trung ương và địa phương… Việc thành lập và hoạt động của các quỹ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, giảm bớt gánh nặng cho NSNN. Thông qua các hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính, thị trường tiền tệ của một số quỹ đã góp phần đa dạng các hoạt động tài chính của nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này. Về cơ bản các quỹ đã thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật. Theo TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), nhìn sang các nước, nhiều quốc gia cũng tồn tại quỹ tài chính ngoài ngân sách, có những quỹ thuộc dạng bí mật, không công khai. Nhưng các quỹ này vẫn phải hạch toán đầy đủ, phải định kỳ báo cáo Quốc hội và các cơ quan liên quan. Điều quan trọng là phải có quy chế quản lý các quỹ rõ ràng, phải có hệ thống giám sát. Bên cạnh đó, cần xem lại chức năng, nhiệm vụ của một số loại quỹ tài chính ngoài ngân sách hiện nay để tránh trùng lắp, lạm thu, chi tiêu không minh bạch. Nguyên tắc chung là hạn chế thành lập các quỹ tài chính ngoài ngân sách, trừ các trường hợp đặc biệt, càng hạn chế được thì càng tốt. |
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
CÁC TIN KHÁC
- Kinh tế TPHCM tiếp tục đà phục hồi 31 Tháng Tám, 2022
- Mức phí công chứng năm 2022 12 Tháng Bảy, 2022
- Thế nào là nợ xấu? Phân loại các nhóm nợ xấu hiện nay 18 Tháng Tám, 2022
- 03 chính sách bảo hiểm, lao động, công chức mới cập nhật 15 Tháng Tám, 2022
- Tiếp tục hỗ trợ tiền cho người lao động theo Nghị quyết 116 14 Tháng Tám, 2022
- Tổng cục Hải quan yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, chống gian lận trong hoàn thuế 26 Tháng Mười, 2022
- Long An: Tăng cường phối hợp, bảo đảm thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ 13 Tháng Tám, 2022
- Thuế thu nhập cá nhân bảy tháng gần cán đích cả năm 18 Tháng Tám, 2022
- Niêm yết giá nhằm minh bạch trong mua, bán trên thị trường 16 Tháng Tám, 2022
- Đồng Nai: Ưu tiên vốn, đất cho các khu tái định cư 13 Tháng Tám, 2022