Quản trị chiến lược về tuân thủ pháp luật thuế – Mục tiêu cần hướng đến

Quản trị chiến lược về tuân thủ pháp luật thuế – Mục tiêu cần hướng đến.

QUẢN LÝ TUÂN THỦ PHÁP LUẬT THUẾ TẠI VIỆT NAM

Bài 9: Quản lý tuân thủ pháp luật thuế – Mục tiêu cần hướng đến 

Những rủi ro này là rủi ro không tuân thủ, bao gồm rủi ro gian lận thuế, rủi ro mất khả năng thanh toán của người nộp thuế,… với quản lý rủi ro tuân thủ, cơ quan quản lý thuế cần đưa ra các công cụ, giải pháp để khuyến khích người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế một cách hiệu quả

Tuân thủ pháp luật thuế là việc người nộp thuế tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thuế

Quan điểm về QLRR của một số nước trên thế giới

Theo Ủy ban Thuế và Hải quan EU, tuân thủ pháp luật thuế là việc người nộp thuế (NNT) tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thuế của mình về việc đăng ký, nộp hồ sơ, kê khai chính xác tờ khai thuế và nộp thuế đúng hạn.

Qua quá trình phát triển, xu thế trên thế giới đã thay đổi công tác quản trị theo hướng tổng thể, toàn diện hơn (Quản trị rủi ro tuân thủ tổng thể). Theo đó, Quản lý thuế không chỉ là phát hiện hành vi trốn thuế và áp dụng các biện pháp xử phạt mà cần quản lý theo cách tiếp cận chủ động và phòng ngừa hành vi không tuân thủ nhằm nâng cao tuân thủ tự nguyện của NNT.

Theo khuyến nghị từ Đoàn công tác Vụ các vấn đề tài khóa của IMF (FAD), cần thiết giao cho đơn vị QLRR của Tổng cục Thuế thẩm quyền pháp lý và phạm vi trách nhiệm bao quát được về thiết kế hướng dẫn nghiệp vụ quản lý tuân thủ cũng như đủ thẩm quyền công tác để phối hợp được với các đơn vị khác.

Trách nhiệm và thẩm quyền của đơn vị QLRR cần thể hiện được tính chất thường trực, thường xuyên, liên tục, dài hạn trong công tác QLRRTT và ngang cấp với các đơn vị khác trong Tổng cục Thuế chứ không phải là một bộ phận được thành lập chỉ để hoàn thành xong một công việc có tính chất trong ngắn hạn.

Tại cơ quan thuế Nội địa Chi-lê (SII), Vụ Tuân thủ Thuế Quốc gia là đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế, chỉ đạo, giám sát kế hoạch nâng cao tuân thủ hàng năm trong toàn bộ SII. Kế hoạch nâng cao tuân thủ bao gồm các kế hoạch thành phần cho các sắc thuế khác nhau và phân đoạn NNT. Vụ Tuân thủ Thuế Quốc gia và hai Đơn vị phân tích rủi ro khác sẽ chịu trách nhiệm xác định các rủi ro tuân thủ cả ở mức độ cơ bản và mức độ phức tạp đối với các sắc thuế và phân đoạn NNT khác nhau;

Tại Hungary, Cơ quan Thuế và Hải quan Quốc gia Hungary (NTCA) có một Đơn vị QLRR chịu trách nhiệm thiết kế và chỉ đạo, giám sát thực hiện chiến lược quản lý rủi ro tuân thủ trên toàn quốc, vận hành các ứng dụng phân tích rủi ro ở cấp trung ương và và chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ các hoạt động phân tích rủi ro của các cơ quan thuế địa phương.

Tại Slovenia, Cơ quan Thuế (FURS) có một Đơn vị Quản lý rủi ro tuân thủ ở cấp trung ương tại hội sở chính, chịu trách nhiệm thiết kế hướng dẫn thực hiện các chiến lược QLRRTT, hỗ trợ và chỉ đạo các tổ tác nghiệp QLRRTT nhận diện những rủi ro tuân thủ chính, xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ cho những rủi ro đó, và giám sát việc thực hiện kế hoạch của các tổ tác nghiệp.

Tại Ba Lan, Đơn vị quản lý rủi ro tuân thủ được tổ chức tại cơ quan thuế các cấp trong toàn ngành. cơ quan thuế cấp dưới sẽ gửi các đề xuất sơ bộ về rủi ro lên cho đầu mối cơ quan thuế cấp trên phê duyệt trước khi các biện pháp quản lý rủi ro tuân thủ được xem xét, so sánh, hợp nhất và tinh chỉnh để đưa vào Kế hoạch Thực hiện cấp quốc gia và cấp khu vực.

Áp dụng cơ chế QLRR trong quản lý thuế tại Việt Nam

Đến năm 2019, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH được ban hành, việc áp dụng cơ chế QLRR trong quản lý thuế đã được quy định riêng tại Điều 9 càng cho thấy tầm quan trọng của công tác áp dụng QLRR trong quản lý thuế và việc đẩy mạnh công tác áp dụng QLRR trong các nghiệp vụ quản lý thuế tại cơ quan thuế các cấp.

Từ những công việc triển khai ban đầu trên, Tổng cục Thuế đã hướng tới việc áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ (QLRRTT) theo quy mô rộng hơn và mang tính hệ thống hơn trong toàn ngành bằng việc ban hành Thông tư 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ Tài chính quy định về việc áp dụng QLRR trong quản lý thuế (thay thế cho Thông tư số 204/2014/TT-BTC).

Để đẩy mạnh công tác quản lý rủi ro trong quản lý thuế, về mặt tổ chức bộ máy, vào năm 2015, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban QLRR có chức năng tham mưu giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý, tiêu chí, quy trình, quy định về quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Với chức năng nhiệm vụ được giao, Ban QLRR đã chủ trì nghiên cứu và xây dựng các bộ tiêu chí, quy trình nghiệp vụ áp dụng QLRR trong quản lý thuế; xây dựng Thông tư hướng dẫn về QLRR; phối hợp với các Vụ, đơn vị trong Tổng cục Thuế để xây dựng, nâng cấp ứng dụng QLRR (TPR) với các phân hệ khác nhau như lập kế hoạch thanh tra kiểm tra, quản lý và sử dụng hóa đơn, hoàn thuế; nghiên cứu, thử nghiệm việc áp dụng AI vào phân tích rủi ro trong đó có phân tích rủi ro tuân thủ nghĩa vụ thuế của NNT để nâng cao hiệu quả QLRR.

Tuy nhiên, tại các cơ quan thuế địa phương không có đơn vị chuyên trách thực hiện công tác QLRR trong quản lý thuế vì vậy các công việc về QLRR chưa được thực hiện thống nhất.

Kiện toàn bộ phận quản trị chiến lược và QLRR về thuế nhằm nâng cao thẩm quyền, địa vị pháp lý và năng lực quản trị chiến lược, đáp ứng kịp thời yêu cầu cải cách và nâng cao tuân thủ tự nguyện của NNT

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong áp dụng quản lý tuân thủ

Từ các nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng kế hoạch QLRR tuân thủ tổng thể đến việc tổ chức bộ máy và phân tích dữ liệu phục vụ QLRR tuân thủ, có thể rút ra được một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

Một là, kiện toàn bộ phận quản trị chiến lược và QLRR về thuế thuộc Tổng cục Thuế nhằm nâng cao thẩm quyền, địa vị pháp lý và năng lực nguồn nhân lực để triển khai sâu, rộng, toàn diện, tập trung có hiệu quả công tác quản trị chiến lược và QLRR, đáp ứng kịp thời yêu cầu cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Thuế và nâng cao tuân thủ tự nguyện của NNT. Hoạt động QLRR phải được thực hiện từ cấp trung ương xuống cấp địa phương, đảm bảo tính xuyên suốt, thống nhất, dài hạn và liên tục nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý thuế.

Hai là, cần củng cố bộ phận quản lý rủi ro ở cấp trung ương bằng việc hình thành một bộ máy có địa vị pháp lý đủ tầm, đảm bảo đủ nguồn lực, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ và năng lực thực tế làm đầu mối chủ trì việc xây dựng, tổ chức thực hiện công tác thu thập, xử lý thông tin, áp dụng kỹ thuật để hỗ trợ cho các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế.

Ba là, xây dựng chương trình QLRR tuân thủ tổng thế trong đó thiết kế hướng dẫn nghiệp vụ quản lý tuân thủ và kế hoạch nâng cao tuân thủ cho các sắc thuế khác nhau và phân đoạn NNT.

Bốn là, công tác QLRRTT phụ thuộc nhiều vào dữ liệu và năng lực phân tích dữ liệu hiệu quả, vì vậy, việc xây dựng năng lực này bao gồm hạ tầng CSDL phục vụ phân tích rủi ro. Đây là một kho dữ liệu tập trung riêng biệt (single centralized database) được lọc lựa từ 03 nguồn gồm dữ liệu từ NNT của ngành Thuế (primary database); dữ liệu đã tác nghiệp của ngành (secondary database) và dữ liệu từ các bên thứ 3 (như: Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Thương mại, Cơ sở dữ liệu thương mại, …) để phục vụ công tác phân tích rủi ro.

Kho CSDL này do đơn vị QLRR được giao quản lý chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ để thu thập phân tích, khai thác thường xuyên, liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý. Trên cơ sở phân tích CSDL này, Đơn vị QLRR cũng cần có đủ năng lực để triển khai các ứng dụng CNTT để hỗ trợ thực hiện công tác QLRRTT.

Năm là, xây dựng ứng dụng CSDL và phân tích rủi ro có định hướng áp dụng các công nghệ mới phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, học máy vào phân tích rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ NNT và từ đó có giải pháp xử lý về thuế phù hợp với từng mức độ “hành vi tuân thủ” của NNT.

Theo www.gdt.gov.vn