Bộ Tài chính tập huấn cơ chế tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập
Hội nghị tập huấn về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) diễn ra trong sáng cùng ngày, nhằm trao đổi, thảo luận với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về những nội dung đổi mới về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số 56/2022/TT-BTC hướng dẫn nghị định.
Chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Trường Giang- Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tại hội nghị lần này, đại diện các bộ, ngành, địa phương sẽ được lắng nghe, trao đổi về một số nội dung nhằm giúp hiểu rõ hơn, sâu hơn về một số điểm mới tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL so với các quy định trước đây. Trong đó, sẽ trao đổi cụ thể về các nội dung quy định liên quan đến cách xác định các khoản thu xác định mức độ tự chủ tài chính, các khoản chi xác định mức độ tự chủ tài chính trong từng lĩnh vực và nguyên tắc ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ ĐVSNCL. Từ đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện phân loại mức tự chủ tài chính và giao quyền tự chủ tài chính đối với ĐVSNCL thuộc quyền quản lý.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng là dịp để các các bộ, ngành, địa phương trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, những mặt được cùng những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL.
“Đây là hội nghị quan trọng, rất có ý nghĩa trong bối cảnh các ĐVSNCL xây dựng phương án tự chủ tài chính lần đầu giai đoạn 2023-2025 theo Nghị định số 60 và Thông tư số 56, trong đó xác định kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ từ nguồn NSNN và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ cùng với thời điểm triển khai phân bổ và giao dự toán thu, chi NSNN năm 2023”- ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
|
Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính.
Làm rõ những nội dung đổi mới của Nghị định 60/2021/NĐ-CP so với những nghị định trước đây, ông Nguyễn Trường Giang cho biết, Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã cụ thể hóa chủ trương, định hướng về cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL và Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương; theo đó, sửa đổi về cơ chế chi trả tiền lương; tạo động lực khuyến khích ĐVSNCL khai thác nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Bên cạnh đó, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung quy định về xác định mức độ tự chủ tài chính của ĐVSNCL và nguyên tắc NSNN hỗ trợ ĐVSNCL; bổ sung quy định cụ thể về tự chủ trong hoạt động liên doanh liên kết; bổ sung quy định về tự chủ về tài chính của ĐVSNCL trong lĩnh vực y tế – dân số; giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp.
Một điểm mới quan trọng được ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh đó là, Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã quy định theo hướng trao quyền tự chủ đầy đủ cho các đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính.
Ông Nguyễn Trường Giang nêu rõ, đơn cử như, ĐVSNCL tự chủ tài chính ở mức cao (tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên) được chủ động hơn trong quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, quản lý phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị và phải quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ.
Để đầu tư, nâng cao chất lượng và tăng quy mô hoạt động sự nghiệp, từng bước hoàn thiện việc tổ chức hoạt động dịch vụ, đơn vị được vay vốn của các tổ chức tín dụng để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và tự chịu trách nhiệm trả nợ vay theo quy định của pháp luật…
Đối với ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, Nghị định đã bổ sung quy định thành 03 nhóm đơn vị, gồm: Đơn vị tự bảo đảm trên 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên; đơn vị tự bảo đảm dưới 30% chi thường xuyên.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, việc quy định các nhóm đơn vị để đảm bảo công bằng trong việc quy định mức chi, trích lập và sử dụng các quỹ, phù hợp với nguồn tài chính của đơn vị; nhóm đơn vị tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên sẽ được khuyến khích hơn để nâng dần mức độ tự chủ lên tự bảo đảm chi thường xuyên.
Quy định các nhóm đơn vị cũng là để tạo điều kiện cho đơn vị chủ động quản lý và sử dụng nguồn tài chính khi học phí và viện phí đã chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật Giá.
Đồng thời, để phù hợp với mức độ tự chủ của từng loại hình đơn vị và vừa bảo đảm không ảnh hưởng đến quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước, nghị định đã quy định đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ không sử dụng NSNN.
“Đơn vị nhóm 1 và nhóm 2 được trích lập các khoản dự phòng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và liên doanh liên kết theo quy định đối với doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Quy định cơ chế đặc thù trong sử dụng nguồn tài chính lĩnh vực y tế và giáo dục “Nghị định 60/2021/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về tự chủ về tài chính của ĐVSNCL trong lĩnh vực y tế – dân số; giáo dục và đào tạo; giáo dục nghề nghiệp. Đối với 2 ngành, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các dịch vụ sự nghiệp công là giáo dục đào tạo và y tế, để có thể thực hiện được ngay sau khi ban hành, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã quy định một số nội dung đặc thù trong sử dụng nguồn tài chính và phân bổ, giao dự toán của ĐVSNCL trong lĩnh vực y tế- dân số và lĩnh vực giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, ĐVSNCL được thuê các đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật y tế để đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong trường hợp đơn vị không có đủ trang thiết bị để thực hiện các dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Điều này đã tháo gỡ được khó khăn của các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay”- ông Nguyễn Trường Giang cho biết. |
Theo: thoibaotaichinhvietnam.vn
CÁC TIN KHÁC
- Kiên định mục tiêu phát triển bền vững 27 Tháng Chín, 2022
- Vạch trần nhiều “chiêu” trục lợi tiền hoàn thuế 24 Tháng Chín, 2022
- Chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế: Nguồn “vốn mồi” trợ lực cho doanh nghiệp vượt khó, phục hồi 14 Tháng Mười Một, 2022
- Sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ 5 Tháng Bảy, 2022
- Hướng dẫn mới về cập nhật kiến thức hành nghề dịch vụ kế toán hằng năm 17 Tháng Năm, 2024
- Cục Hải quan Bình Dương: Thu ngân sách đạt hơn 13.200 tỷ đồng 8 Tháng Chín, 2022
- Đơn giản hóa quy định kinh doanh theo nguyên tắc 01 văn bản sửa nhiều văn bản 19 Tháng Bảy, 2022
- Giá thuê mặt bằng giảm mạnh khi đại gia bán lẻ rút đi 29 Tháng Bảy, 2022
- Đồng Nai: Ưu tiên vốn, đất cho các khu tái định cư 13 Tháng Tám, 2022
- Bộ Tài chính: Giảm tầng nấc trung gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính 9 Tháng Mười Hai, 2022