Thông tư 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022

Thông tư số 69/2022/TT-BTC ngày 16/11/2022 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm

Thông tư 62/2022/TT-BTC ngày 05/10/2022 quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy

BỘ TÀI CHÍNH
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 62/2022/TT-BTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2022

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ SỰ NGHIỆP TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY BẮT BUỘC; CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY TỰ NGUYỆN TẠI GIA ĐÌNH, CỘNG ĐỒNG, CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY VÀ QUẢN LÝ SAU CAI NGHIỆN MA TÚY

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 30 tháng 3 năm 2021;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy (sau đây viết tắt là Nghị định số 116/2021/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính – Hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

1. Thông tư này quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

2. Thông tư này không điều chỉnh đối với:

a) Các khoản hỗ trợ có mục đích, địa chỉ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoặc các khoản hỗ trợ mà nhà tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài chính đã có thỏa thuận.

Trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có thỏa thuận về nội dung, mức chi thì áp dụng theo nội dung, mức chi quy định tại Thông tư này;

b) Kinh phí đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chi đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ, trang phục tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc và cơ sở công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 34, khoản 1 Điều 75, khoản 3 Điều 76 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

c) Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với người bị quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tiếp tục đi học ở các bậc học phổ thông tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 80 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

d) Chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm được thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 80 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (sau đây viết tắt là Nghị định số 61/2015/NĐ-CP); Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và quy định pháp luật có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

1. Người nghiện ma tuý bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người nghiện ma túy trong thời gian chờ lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở cai nghiện ma túy.

3. Người bị quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú.

4. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Điều 3. Kinh phí thực hiện.

1. Kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy; quản lý sau cai nghiện ma túy và chế độ đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định tại các Điều 4, 5, 6, 8, 9 và 10 Thông tư này được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Kinh phí hỗ trợ thực hiện chế độ, chính sách đối với người nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy tại Điều 7 Thông tư này do ngân sách địa phương đảm bảo và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Riêng kinh phí hỗ trợ thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội do ngân sách địa phương đảm bảo và thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này.

3. Kinh phí thực hiện chế độ đối với nhân sự do cơ quan công an, y tế được điều động, cử đến làm việc, hỗ trợ tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 06 tháng trở lên quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.

Chương II

NỘI DUNG VÀ MỨC CHI THỰC HIỆN CÔNG TÁC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

Điều 4. Chi thực hiện thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

1. Chi cho công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:

a) Chi văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, cước phí bưu chính, in ấn tài liệu, mẫu biểu phục vụ cho công tác lập hồ sơ, sao lưu tài liệu: Mức chi thanh toán theo thực tế phát sinh trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

b) Chi xác định tình trạng nghiện ma túy: Mức chi theo giá dịch vụ y tế do cấp có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy;

c) Chi công tác phí cho cán bộ đi xác minh nơi cư trú, bàn giao người vi phạm, xác minh, thu thập tài liệu để lập hồ sơ đề nghị hoặc thu thập tài liệu bổ sung hồ sơ: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (sau đây gọi tắt là Thông tư số 40/2017/TT-BTC).

2. Chi thực hiện chế độ ăn, ở, sinh hoạt, hỗ trợ y tế của người nghiện ma túy trong thời gian quản lý:

a) Tại cơ sở cai nghiện bắt buộc để làm thủ tục đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7 và 8 Điều 5 Thông tư này.

b) Tại trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội để làm thủ tục đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:

– Chế độ hỗ trợ y tế: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại các khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

– Các chế độ ăn, ở, sinh hoạt như đối tượng thuộc trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội.

3. Chi tiền tàu xe hoặc thuê mướn phương tiện vận chuyển đưa người nghiện ma túy trong thời gian làm thủ tục đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội; đưa người nghiện ma túy đã có quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đưa người không bị áp dụng biện pháp vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ tổ chức xã hội, cơ sở xã hội, cơ sở đa chức năng sang cơ sở bảo trợ xã hội (nếu có); đưa người cần xác định nghiện ma túy chuyển tuyến để xác định tình trạng nghiện ma túy:

– Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương.

– Trường hợp bố trí bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, mức hỗ trợ bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời điểm vận chuyển. Trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận, phù hợp với giá cả trên địa bàn tại thời điểm thuê. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc quyết định bố trí phương tiện, thuê xe bên ngoài đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

4. Chi truy tìm người nghiện ma túy trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn khỏi nơi lưu trú tạm thời tại gia đình, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội theo quy định tại khoản 4 Điều 48 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP:

a) Chi chế độ đối với người được giao nhiệm vụ truy tìm người nghiện ma túy bỏ trốn:

– Chi chế độ công tác phí: Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

– Ngoài chế độ công tác phí, khi truy tìm được đối tượng bỏ trốn và bàn giao đưa vào cơ sở tiếp nhận đối tượng, người truy tìm được hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày trong những ngày truy tìm đối tượng bỏ trốn;

– Chi chế độ làm đêm, thêm giờ: Thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ công chức, viên chức;

b) Chi hỗ trợ người nghiện ma túy trong những ngày đi trên đường để đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội kể từ ngày tìm được:

– Tiền ăn: 70.000 đồng/người/ngày;

– Tiền thuê phòng nghỉ (nếu có) theo mức quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

– Chi tiền tàu xe hoặc thuê mướn phương tiện vận chuyển đưa người nghiện ma túy trở về: Mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

Điều 5. Chi thực hiện chế độ đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc (sau đây viết tắt là người cai nghiện bắt buộc) trong thời gian cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

1. Chi tiền ăn, tiền chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân của người cai nghiện bắt buộc và băng vệ sinh (đối với người cai nghiện bắt buộc là nữ): Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 65 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

2. Chi phí cai nghiện ma túy:

a) Khám sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ và theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế để quyết định chế độ cai nghiện ma túy: Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Đối với mức chi xét nghiệm tình trạng nghiện ma túy thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 8 Thông tư này;

b) Tiền thuốc cắt cơn (trừ trường hợp đã được điều trị cắt cơn tại tổ chức xã hội, cơ sở xã hội, cơ sở đa chức năng), giải độc, điều trị rối loạn tâm thần và điều trị các bệnh cơ hội khác (nếu có) theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế:

– Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập;

– Đối với các khoản chi khác, mức chi theo chi phí thực tế và hóa đơn chứng từ hợp pháp. Cơ sở lập dự toán phù hợp với tình hình thực tế hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Chi chế độ khám bệnh, chữa bệnh:

a) Chi khám sức khỏe định kỳ 06 (sáu) tháng/lần theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế: Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập;

b) Chi thuốc chữa bệnh thông thường, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh truyền nhiễm và phòng chống dịch bệnh cho người cai nghiện bắt buộc bị ốm được điều trị tại cơ sở cai nghiện bắt buộc: Mức chi theo chi phí thực tế và hóa đơn chứng từ hợp pháp. Cơ sở lập dự toán phù hợp với tình hình thực tế hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Chi phí điều trị đối với người cai nghiện bắt buộc bị ốm nặng vượt quá khả năng điều trị của cơ sở cai nghiện bắt buộc được đưa đến bệnh viện điều trị: Thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 67 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP;

d) Chi đưa người đưa, đón, trông coi người cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bị ốm nặng vượt quá khả năng điều trị của cơ sở cai nghiện bắt buộc được đưa đến bệnh viện điều trị:

– Chi tiền tàu xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển đưa, đón người cai nghiện và người của cơ sở cai nghiện bắt buộc được giao nhiệm vụ quản lý người cai nghiện theo quy định tại khoản 4 Điều 67 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP: Mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này;

– Chi chế độ đối với người của cơ sở cai nghiện bắt buộc được giao nhiệm vụ quản lý người cai nghiện theo quy định tại khoản 4 Điều 67 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP: Chi chế độ công tác phí theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC và chế độ làm đêm, thêm giờ theo quy định hiện hành của pháp luật về chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ công chức, viên chức;

đ) Trường hợp người cai nghiện bắt buộc bị thương tích do tai nạn lao động, thiên tai, hỏa hoạn thì cơ sở cai nghiện bắt buộc phải tổ chức điều trị (trường hợp trong khả năng điều trị của cơ sở cai nghiện bắt buộc) và làm thủ tục để thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định.

4. Chi học văn hóa cho người cai nghiện bắt buộc từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP:

a) Chi tiền công đối với những người tham gia giảng dạy văn hóa (bao gồm giáo viên thuộc biên chế của cơ sở giáo dục đào tạo công lập và những người ngoài biên chế có đủ tiêu chuẩn, năng lực giảng dạy): Mức chi tiền công theo hợp đồng lao động trên cơ sở lương tối thiểu vùng và đảm bảo tương quan với mức lương giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo, thâm niên công tác dạy cùng cấp học, lớp học theo quy định hiện hành của nhà nước về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

b) Chi hỗ trợ học phẩm: Nội dung và mức chi áp dụng theo quy định về hỗ trợ học phẩm cho học sinh trung học cơ sở tại khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29 tháng 5 năm 2009 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc;

c) Chi tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm, thuê trang thiết bị dạy học và các khoản chi cần thiết khác (nếu có) phục vụ trực tiếp công tác dạy và học văn hóa cho đối tượng: Mức chi thanh toán theo thực tế phát sinh trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

5. Chi thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo các chuyên đề về sức khỏe cộng đồng, pháp luật, đạo đức, truyền thống dân tộc, giáo dục công dân và chuyên đề khác phù hợp với số lượng, trình độ học vấn của người cai nghiện bắt buộc: Nội dung và mức chi theo Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

6. Chi phí học nghề ngắn hạn:

a) Người cai nghiện bắt buộc chưa có nghề hoặc có nghề nhưng không phù hợp, có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng được hỗ trợ một lần chi phí học. Căn cứ trình độ và năng lực của đối tượng; điều kiện về cơ sở vật chất của cơ sở và tình hình thực tế, thủ trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định hình thức học nghề cho phù hợp. Mức hỗ trợ cụ thể tùy theo từng đối tượng, từng nghề, thời gian học thực tế và hình thức học nhưng tối đa không vượt quá mức quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng (sau đây viết tắt là Thông tư số 152/2016/TT-BTC); không hỗ trợ tiền học nghề cho đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ lần thứ hai trở đi đã được học nghề;

b) Hình thức học

– Trường hợp cơ sở cai nghiện bắt buộc trực tiếp tổ chức đào tạo thì cơ sở được chi các nội dung: Khai giảng, bế giảng, cấp chứng chỉ; mua tài liệu, giáo trình, học liệu đào tạo; thù lao giáo viên dạy lý thuyết và giáo viên hướng dẫn thực hành; mua nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ công tác đào tạo; chỉnh sửa, biên soạn lại chương trình, giáo trình (nếu có); chi phí điện, nước phục vụ lớp học; sửa chữa tài sản, thiết bị đào tạo; chi thuê thiết bị đào tạo (nếu có); chi cho công tác quản lý lớp học không quá 5% tổng kinh phí cho lớp đào tạo;

– Trường hợp đào tạo cho người cai nghiện bắt buộc theo hình thức liên kết đào tạo giữa cơ sở cai nghiện bắt buộc với cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Cơ sở thanh toán theo hợp đồng đào tạo.

7. Chi tiền điện, nước sinh hoạt: Mức chi 100.000 đồng/người cai nghiện bắt buộc/tháng.

8. Chi tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác ngoài thời gian học tập và lao động tối thiểu: Mức chi 100.000 đồng/người cai nghiện bắt buộc/năm.

Trường hợp hỗ trợ mức cao hơn mức quy định tại khoản này, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định mức hỗ trợ cụ thể.

9. Chi chế độ lao động, lao động trị liệu:

Thực hiện theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định tiêu chí, tiền công phù hợp với kết quả lao động của đối tượng.

10. Chi phí mai táng đối với trường hợp người cai nghiện bắt buộc chết trong thời gian chấp hành quyết định tại cơ sở mà không có thân nhân hoặc thân nhân không đến nhận trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm đối tượng chết: Mức hỗ trợ chi phí mai táng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

11. Chi hỗ trợ đưa người cai nghiện bắt buộc chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về địa phương nơi cư trú:

a) Người cai nghiện bắt buộc khi chấp hành xong quyết định trở về địa phương nơi cư trú được cấp tiền ăn khi đi đường, tiền tàu xe và 01 (một) bộ quần áo thường (nếu họ không có) theo quy định tại khoản 4 Điều 62 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; cụ thể:

– Tiền ăn: mức hỗ trợ 70.000 đồng/người/ngày trong những ngày đi đường, tối đa không quá 03 ngày;

– Tiền tàu xe: mức hỗ trợ theo giá phương tiện công cộng phổ thông;

– Cấp 01 (một) bộ quần áo mùa hè hoặc 01 (một) bộ quần áo mùa đông;

Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định mức hỗ trợ tối đa để cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện mua sắm và cấp quần áo cho đối tượng; hỗ trợ mức cao hơn mức tiền ăn và tiền tàu xe quy định tại điểm này;

b) Chi chế độ công tác phí cho người đưa bàn giao người cai nghiện bắt buộc từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi chấp hành xong quyết định trở về địa phương nơi cư trú mà không có thân nhân đến đón tại gia đình hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người sau cai nghiện cư trú theo quy định tại khoản 4 Điều 62 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

12. Chi truy tìm đối tượng bỏ trốn (gồm: đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ trốn theo quy định tại Điều 56 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; người cai nghiện đang hưởng chế độ chịu tang khi hết thời gian chịu tang mà không trở lại cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 70 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP): Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

13. Các khoản chi khác theo quyết định của Thủ trưởng cơ sở cai nghiện bắt buộc trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và theo quy định của pháp luật về đấu thầu, bao gồm:

a) Chi thuê chuyên gia tư vấn cho người cai nghiện bắt buộc về chuyển đổi hành vi phục hồi nhân cách, kỹ năng sống, tái hòa nhập cộng đồng, về phòng chống tái nghiện ma tuý, dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác (nếu có);

b) Chi mua, in ấn tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ cho công tác tư vấn, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi phục hồi nhân cách, phòng chống tái nghiện ma tuý, dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác cho đối tượng;

c) Chi cho công tác vệ sinh môi trường, phòng dịch.

14. Trường hợp trên thực tế phát sinh các khoản chi đặc thù chưa được quy định tại các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.

Chương III

NỘI DUNG VÀ MỨC CHI HỖ TRỢ CAI NGHIỆN MA TÚY TỰ NGUYỆN

Điều 6. Chi cho công tác tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

1. Chi lập, xét duyệt hồ sơ đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng:

a) Chi tư vấn, hướng dẫn lập hồ sơ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng: Mức chi 30.000 đồng/hồ sơ;

b) Chi họp thẩm định xét duyệt hồ sơ đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng:

– Thành viên tham dự: Mức chi 50.000 đồng/người/buổi;

– Chi nước uống cho người tham dự: Mức chi theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC;

c) Chi hỗ trợ công tác quản lý (văn phòng phẩm, in hồ sơ, mua sổ sách, trang thiết bị phục vụ việc theo dõi, thống kê, lập danh sách, quản lý hồ sơ người cai nghiện ma tuý): Mức chi thanh toán theo thực tế phát sinh trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

2. Chi thù lao hàng tháng đối với người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã: Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét quyết định mức thù lao hàng tháng đối với người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ các đối tượng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, tối đa không quá 0,6 (không phẩy sáu) lần mức lương cơ sở hiện hành theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 34 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

3. Chi hỗ trợ 01 (một) lần kinh phí cai nghiện đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng khi hoàn thành ít nhất 03 (ba) giai đoạn theo quy định tại Điều 22, Điều 23 và Điều 24 của Nghị định số 116/2021/NĐ-CP: Mức hỗ trợ tối thiểu bằng mức lương cơ sở hiện hành. Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp cùng cấp xem xét quyết định mức hỗ trợ cao hơn mức lương cơ sở hiện hành.

Điều 7. Chi thực hiện chế độ, chính sách đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy.

1. Chi tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần cho người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện công lập theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP và theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế: Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.

2. Chi hỗ trợ 95% chi phí cai nghiện ma túy và thuốc chữa bệnh thông thường cho các đối tượng theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, bao gồm:

a) Chi phí cai nghiện ma túy: Nội dung và mức chi theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

b) Chi thuốc chữa bệnh thông thường: Mức chi theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

3. Chi hỗ trợ tiền ăn, quần áo, chăn, màn, chiếu, gối, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và băng vệ sinh (đối với người cai nghiện tự nguyện là nữ) đối với người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập: Căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương và dự kiến số lượng đối tượng tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc phạm vi quản lý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức hỗ trợ cụ thể, ít nhất bằng 70% mức hỗ trợ đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của địa phương.

4. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương và dự kiến số lượng đối tượng tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập thuộc phạm vi quản lý, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định:

a) Mức hỗ trợ cao hơn, đối tượng mở rộng hơn ngoài chế độ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;

b) Mức hỗ trợ chỗ ở cho người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.

Chương IV

NỘI DUNG VÀ MỨC CHI QUẢN LÝ SAU CAI NGHIỆN MA TÚY TẠI NƠI CƯ TRÚ

Điều 8. Chi cho công tác tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

1. Chi lập hồ sơ quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú: Mức chi 30.000 đồng/hồ sơ.

2. Chi hỗ trợ công tác quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú: chi văn phòng phẩm, thông tin liên lạc, cước phí bưu chính, in ấn tài liệu, mẫu biểu phục vụ cho công tác lập hồ sơ: Mức chi căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Chi hỗ trợ người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ người bị quản lý sau cai nghiện ma túy tại cấp xã theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã: Mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

4. Chi tổ chức xét nghiệm chất ma túy đối với người sau cai nghiện ma túy định kỳ hoặc đột xuất theo quy định của pháp luật về phòng chống ma túy và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế:

a) Mức chi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể người căn cứ vào hóa đơn chứng từ chi tiêu hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Mức chi xét nghiệm tình trạng nghiện ma túy theo giá dịch vụ y tế do cấp có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 9. Chi hỗ trợ học nghề cho người sau cai nghiện ma túy.

Chi hỗ trợ học nghề cho người sau cai nghiện ma túy chưa có nghề hoặc có nghề nhưng không còn phù hợp, nếu có nhu cầu học nghề và tham gia đào tạo nghề nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 80 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP và Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC.

Chương V

CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC TẠI CÁC CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

Điều 10. Chi chế độ trợ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

1. Viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc được hưởng trợ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi theo nghề theo quy định tại Nghị định số 26/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập.

2. Nhân sự do cơ quan công an, y tế được điều động, cử đến làm việc, hỗ trợ tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 06 tháng trở lên được hưởng các chế độ theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Chương VI

LẬP, CHẤP HÀNH DỰ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ

Điều 11. Lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí.

1. Việc lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, kế toán và các quy định pháp luật có liên quan.

2. Thông tư này hướng dẫn cụ thể đối với việc lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách, chế độ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập như sau:

a) Hàng năm, cùng thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội căn cứ kế hoạch cai nghiện ma túy của các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập, nội dung, mức chi, chế độ hỗ trợ cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập và số lượng đối tượng người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập ở địa phương, lập dự toán kinh phí và tổng hợp chung trong dự toán chi thường xuyên của cơ quan, gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định;

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hỗ trợ kinh phí đối với các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập trên cơ sở các căn cứ sau:

– Biểu tổng hợp danh sách, kinh phí hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập (có chữ ký hoặc dấu tay điểm chỉ của đối tượng được hỗ trợ). Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lưu chứng từ này làm cơ sở quyết toán;

– Đối chiếu các hóa đơn, chứng từ chi tiêu có liên quan đến việc tổ chức cai nghiện ma túy cho đối tượng. Cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập trực tiếp lưu giữ hóa đơn, chứng từ chi tiêu cụ thể theo quy định hiện hành;

c) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp quyết toán kinh phí hỗ trợ các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập theo quy định.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Hiệu lực thi hành.

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 11 năm 2022.

2. Thông tư liên tịch số 121/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 12 tháng 8 năm 2010 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma tuý tại nơi cư trú; chế độ đóng góp và hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện; Thông tư liên tịch số 148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chế độ đối với người chưa thành niên, người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; Thông tư số 117/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tổ chức cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cộng đồng và Thông tư số 124/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện hết hiệu lực thi hành toàn bộ kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung thay thế đó. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Toà án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Sở Tài chính, KBNN, Sở LĐTBXH các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp;
– Công báo;
– Cổng Thông tin điện tử: Chính phủ, Bộ TC, Bộ LĐTBXH;
– Các đơn vị thuộc Bộ TC, Bộ LĐTBXH;
– Lưu: VT, HCSN (300b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Thành Hưng

Theo: thuvienphapluat.vn 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC