Kiểm toán viên là ai? Tiêu chuẩn của kiểm toán viên

Kiểm toán viên là ai? Tiêu chuẩn của kiểm toán viên

Kiểm toán viên là ai? Tiêu chuẩn của kiểm toán viên

Cá nhân phải có những tiêu chuẩn gì để có thể trở thành một kiểm toán viên? – Tấn Trung (Quảng Nam)

1. Kiểm toán viên là ai?

Theo khoản 2 Điều 5 Luật Kiểm toán độc lập 2011, kiểm toán viên là người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của pháp luật hoặc người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận và đạt kỳ thi sát hạch về pháp luật Việt Nam.

Khi đó, kiểm toán viên hành nghề là kiểm toán viên đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.

2. Tiêu chuẩn kiểm toán viên

Để trở thành một kiểm toán viên, cá nhân phải có đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản Điều 14 Luật Kiểm toán độc lập 2011, cụ thể như sau:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;

– Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính;

– Có Chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Bộ Tài chính.

Trường hợp người có chứng chỉ của nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận, đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam và có đủ các tiêu chuẩn được quy định như trên thì được công nhận là kiểm toán viên.

3. Đăng ký hành nghề kiểm toán viên

Theo khoản 1 Điều 15 Luật Kiểm toán độc lập 2011, người có đủ các điều kiện sau đây được đăng ký hành nghề kiểm toán:

– Là kiểm toán viên;

– Có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên;

– Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức.

Trong trường hợp, người có đủ các điều kiện quy định trên thực hiện đăng ký hành nghề kiểm toán và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính.

4. Các trường hợp không được đăng ký hành nghề kiểm toán viên

Cụ thể tại Điều 16 Luật Kiểm toán độc lập 2011, những người không được đăng ký hành nghề kiểm toán viên bao gồm:

– Cán bộ, công chức, viên chức.

– Người đang bị cấm hành nghề kiểm toán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

– Người đã bị kết án một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở chữa bệnh, đưa vào cơ sở giáo dục.

– Người có tiền án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên.

– Người có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán và quản lý kinh tế bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn một năm, kể từ ngày có quyết định xử phạt.

– Người bị đình chỉ hành nghề kiểm toán.

5. Quyền và nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề

5.1. Quyền của kiểm toán viên hành nghề

Khi hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, kiểm toán viên hành nghề có các quyền được quy định tại Điều 17 Luật Kiểm toán độc lập 2011, cụ thể như sau:

– Hành nghề kiểm toán theo quy định Luật Kiểm toán độc lập 2011;

– Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ;

– Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán;

– Yêu cầu kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của đơn vị được kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán;

– Kiểm tra toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán;

– Kiểm tra, xác nhận các thông tin kinh tế, tài chính có liên quan đến đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán.

– Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết có liên quan đến nội dung kiểm toán thông qua đơn vị được kiểm toán.

– Quyền khác theo quy định của pháp luật.

5.2. Nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề

Theo Điều 18 Luật Kiểm toán độc lập 2011, khi hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, kiểm toán viên hành nghề có các nghĩa vụ sau đây:

– Tuân thủ nguyên tắc hoạt động kiểm toán độc lập;

– Không can thiệp vào hoạt động của khách hàng, đơn vị được kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán;

– Từ chối thực hiện kiểm toán cho khách hàng, đơn vị được kiểm toán nếu xét thấy không bảo đảm tính độc lập, không đủ năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

– Từ chối thực hiện kiểm toán trong trường hợp khách hàng, đơn vị được kiểm toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trái với quy định của pháp luật;

– Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức hàng năm;

– Thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp;

– Thực hiện kiểm toán, soát xét hồ sơ kiểm toán hoặc ký báo cáo kiểm toán và chịu trách nhiệm về báo cáo kiểm toán và hoạt động kiểm toán của mình;

– Báo cáo định kỳ, đột xuất về hoạt động kiểm toán của mình theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Tuân thủ quy định Luật Kiểm toán độc lập 2011 và pháp luật của nước sở tại trong trường hợp hành nghề kiểm toán ở nước ngoài;

– Chấp hành yêu cầu về kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính;

– Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Theo thuvienphapluat.vn