Quản lý tự chủ tài chính đại học: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách cho Việt Nam

 Tự chủ tài chính là nhân tố đóng vai trò thúc đẩy phát triển giáo dục đại học (Ảnh minh họa)

Trong xã hội hiện đại, một trong những yếu tố quan trọng mà bất cứ hoạt động kinh tế, xã hội nào đều phải có, đó là nguồn lực tài chính. Việt Nam trong lộ trình thực hiện tự chủ đại học, nguồn lực tài chính đang là một vấn đề đặt ra, để các trường đại học công lập có thể nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, hay mở rộng quan hệ liên kết phát triển nhà trường một cách vững chắc. Học tập kinh nghiệm quản lý tự chủ tài chính của trường đại học ở một số quốc gia trên thế giới, sẽ giúp Việt Nam gia tăng năng lực hoạt động cho các trường đại học và tận dụng được những cơ hội để hội nhập nhanh với nền giáo dục của thế giới.

QUẢN LÝ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Tự chủ đại học là yếu tố cơ bản trong quản trị đại học, phản ánh mối quan hệ giữa Nhà nước với các cơ sở giáo dục đại học theo hướng giảm dần sự kiểm soát trực tiếp của Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học. Ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển, như: Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Singapore…, tự chủ đại học được thực hiện cách đây nhiều thập kỷ và đã trở thành các quốc gia điển hình cho nền giáo dục mở, chất lượng trên thế giới.

Về thực chất, “Tự chủ đại học” được hiểu là việc trường đại học có được một mức độ độc lập so với các bên quản lý nhà nước liên quan về quản trị cơ cấu tổ chức, phân bổ nguồn lực tài chính và tạo ra nguồn thu, tuyển dụng nhân sự, trang bị điều kiện học tập và triển khai hoạt động giảng dạy, nghiên cứu. Cụ thể, tự chủ đại học tập trung vào 04 khía cạnh chính gồm: (i) Học thuật; (ii) Nhân sự; (iii) Tài chính; (iv) Quản trị tổ chức; trong đó, tự chủ tài chính là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoặc hạn chế quá trình phát triển của hệ thống giáo dục đại học.

Tiến trình tự chủ tài chính nói riêng và tự chủ đại học nói chung là con đường để các quốc gia chuyển đổi cơ chế quản lý hệ thống giáo dục đại học từ mô hình nhà nước điều hành thành mô hình nhà nước giám sát. Với việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ mở ra, tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học công lập nâng cao tính tích cực chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính và tài sản của đơn vị, sử dụng ngân sách nhà nước được giao tiết kiệm, hiệu quả hơn. Vì vậy, chỉ thông qua cơ chế tự chủ thực chất, thì mới thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học phát triển năng động, phù hợp với quá trình hội nhập toàn cầu hiện nay.

Việc thực hiện tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học công lập không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn tạo lập tăng nguồn thu để đầu tư cho giáo dục. Thực tế hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học ở các nước trên thế giới nhận hỗ trợ tài chính từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Kinh phí nhà nước phân bổ cho hoạt động, đặc biệt là giảng dạy và nghiên cứu khoa học; Kinh phí phân bổ cho nghiên cứu hoặc hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu từ các nguồn khác nhau (từ các bộ); Học phí và các loại phí khác thu được từ sinh viên trong nước và sinh viên nước ngoài; Nguồn thu từ các hợp đồng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp đồng đào tạo, dịch vụ tư vấn, bản quyền… Nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ trong khuôn viên nhà trường phục vụ giảng viên, sinh viên và cộng đồng; Nguồn thu từ hiến tặng, tài trợ, quà biếu, đầu tư. Với việc trao quyền tự chủ về thu tài chính sẽ góp phần nâng cao tính năng động, sáng tạo của các trường đại học trong việc tìm kiếm các nguồn thu, giảm bớt sự bao cấp của nhà nước. Đồng thời, khi thực hiện chế độ giao, khoán mức chi đã tạo ra các hiệu ứng chuyển biến nhận thức trong tiết kiệm các nguồn kinh phí, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực. Như vậy, khi nguồn thu tăng lên, các trường đại học sẽ có những nguồn lực tài chính để tăng đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực… để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục giáo dục đại học.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ TỰ CHỦ TÀI CHÍNH ĐẠI HỌC

Trong nghiên cứu này, việc tổng hợp kinh nghiệm tự chủ tài chính đại học ở các quốc gia trên thế giới tập trung vào 3 khía cạnh: Phân bổ nguồn ngân sách công cho hệ thống đại học; Quy định về khả năng vay mượn từ thị trường tài chính của trường đại học; Chính sách thúc đẩy nỗ lực tự thân, đa dạng hóa nguồn thu của trường đại học. Cụ thể:

(i) Phân bổ nguồn ngân sách công cho hệ thống đại học

– Ở các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU), các trường đại học công lập đều nhận được nguồn ngân sách cơ bản từ chính phủ dưới hình thức gói tài trợ. Gói tài trợ được hiểu là nguồn tài trợ về tài chính phục vụ cho một số hoạt động của trường đại học như: giảng dạy, quản trị và nghiên cứu khoa học. Thông thường, chính phủ cung cấp các gói tài trợ có thời hạn một năm, một số trường hợp ngoại lệ có thời hạn lâu hơn như ở Áo (03 năm) và Luxembourg (04 năm). Bên cạnh đó, nguồn ngân sách tài trợ này còn được điều chỉnh tùy thuộc vào việc trường đại học có đạt hay không các chỉ tiêu hoạt động hàng năm, chẳng hạn như nguồn tài trợ của Anh và Estonia phụ thuộc vào việc trường đại học có đạt hay không chỉ tiêu tuyển sinh hoặc tốt nghiệp hàng năm.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, chính phủ của các quốc gia phát triển cũng có cơ chế phân bổ nguồn ngân sách nhà nước theo các tiêu chuẩn khác nhau. Ở Úc, căn cứ theo Khung chất lượng nghiên cứu khoa học được ban hành năm 2004, Chính phủ sẽ đánh giá thành tích nghiên cứu khoa học của trường đại học theo hai nhóm chỉ tiêu là: Chất lượng của công trình nghiên cứu khoa học; Ảnh hưởng của công trình nghiên cứu khoa học. Dựa trên kết quả đánh giá này, chính phủ sẽ điều chỉnh nguồn ngân sách tài trợ nghiên cứu khoa học cho từng trường đại học theo từng năm. Ở Anh, từ năm 1989, Chính phủ ban hành quy chế đánh giá nghiên cứu khoa học đối với trường đại học để làm cơ sở cho việc phân bổ nguồn ngân sách nhà nước. Theo quy chế này, chính phủ thành lập một hội đồng bình duyệt đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học của các trường đại học trong giai đoạn 1989-2000, áp dụng thang điểm 7 từ năm 2001; từ năm 2008 là phân nhóm kết quả nghiên cứu khoa học theo 05 mức độ tiêu chuẩn gồm: (1) Hàng đầu thế giới, tương đương 4 sao; (2) Quốc tế xuất sắc, tương đương 3 sao; (3) Quốc tế, tương đương 2 sao; (4) Quốc gia, tương đương 1 sao; (5) Không xếp loại, tương đương 0 sao. Thêm vào đó, các tiêu chí này cũng được áp dụng vào 03 khía cạnh khác của thành tích nghiên cứu gồm: Đầu ra của nghiên cứu khoa học; Ảnh hưởng của nghiên cứu khoa học; Môi trường nghiên cứu khoa học. Tuy hoạt động đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học tiêu hao nhiều nguồn lực của chính phủ về con người và tài chính, nhưng mục tiêu chung vẫn là hướng việc phân bổ ngân sách nhà nước một cách hợp lý cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường đại học.

– Giáo dục đại học ở Hoa Kỳ là nền giáo dục định hướng thị trường, gồm có hệ thống trường công và trường tư. Các trường đại học công lập lớn ở Hoa Kỳ, gắn bó chặt chẽ với tiểu bang và được tiểu bang hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, các trường tư cũng nhận được những hỗ trợ tài chính từ chính quyền bang, nhưng rất ít so với các khoản hỗ trợ cho các trường đại học công. Theo xu hướng chung, nguồn hỗ trợ chính từ chính quyền bang đang ngày một giảm dần, nhất là với hệ thống các trường đại học công lập. Nếu như trong suốt thế kỷ 20, các cơ sở giáo dục đại học của Hoa Kỳ nhận được 20-30% nguồn tài chính hỗ trợ từ chính quyền bang, thì đến thế kỷ 21 con số này giảm xuống còn 10%. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục đại học được quyền gia tăng tự chủ nguồn thu (như: thu từ hoạt động nghiên cứu, đầu tư, dịch vụ, nhận tài trợ và học phí) và không chịu sự quản lý của chính quyền bang về các nguồn thu này. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học có toàn quyền sử dụng các nguồn thu và thực hiện cơ chế hạch toán thu – chi như một doanh nghiệp, để đảm bảo năng lực đào tạo và gia tăng tính cạnh tranh trong thị trường “giáo dục”.

– Các quốc gia châu Á có nền giáo dục phát triển như: Nhật Bản, Singapore…, để đẩy mạnh tự chủ tài chính, các nhà làm chính sách của các quốc gia này đã ban hành chính sách với các nội dung vừa cắt giảm ngân sách nhà nước chi cho trường đại học, vừa cho phép trường đại học chủ động tìm kiếm nguồn thu mới, điều chỉnh chi tiêu và quản lý tài chính hiệu quả. Theo đó, một trong những chính sách được áp dụng rộng rãi để khuyến khích/thúc đẩy tự chủ tài chính là thắt chặt ngân sách chính phủ tài trợ cho các trường đại học. Bên cạnh việc cắt giảm ngân sách, Chính phủ Nhật Bản sử dụng các gói tài trợ hướng vào các mục tiêu cụ thể thay vì cấp phát ngân sách cho các trường đại học theo cơ chế bao cấp hoàn toàn như trước đây. Nhật Bản, trong giai đoạn 2004-2009, tỉ lệ nguồn tài trợ của Chính phủ trên tổng nguồn thu của các trường đại học giảm từ 49,6% xuống còn 38,6% [9]. Đồng thời, các cơ sở giáo dục công lập được phép tăng lên 10% các khoản thu từ học phí và lệ phí tuyển sinh để bù đắp, đảm bảo nguồn thu bên cạnh các khoản tài trợ của Chính phủ.

(ii) Quy định về khả năng vay mượn từ thị trường tài chính của trường đại học

– Các trường đại học ở các quốc gia phát triển được tạo điều kiện tìm kiếm nguồn thu từ thị trường tài chính và thị trường bất động sản. Với thị trường tài chính, hầu hết các quốc gia cho phép trường đại học vay mượn từ các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính. Tuy nhiên, chính phủ vẫn có những công cụ để kiểm soát hoạt động vay mượn như chỉ định ngân hàng cho vay mượn, sử dụng các cơ quan có thẩm quyền bên ngoài để đánh giá trường đại học, giới hạn định mức vay mượn hoặc một số điều kiện kèm theo khác.

– Về khía cạnh bất động sản, trong hiện tại, có 23/27 quốc gia (ngoại trừ Đức, Hungary, Litva, Thụy Điển) của Liên minh châu Âu đều cho phép trường đại học tạo nguồn vốn từ việc sở hữu các bất động sản, như: đất đai và cơ sở vật chất, với các chính sách khá linh hoạt từ chính phủ nhằm kiểm soát việc các trường đại học chuyển nhượng các bất động sản trong sở hữu.

(iii) Chính sách thúc đẩy nỗ lực tự thân, đa dạng hóa nguồn thu của trường đại học

Những quy định về cắt giảm và thắt chặt quản lí tài chính của chính phủ vừa là động lực, vừa là áp lực để các trường đại học tìm kiếm nguồn thu mới đa dạng và giảm rủi ro do sự biến động nguồn thu gây ra. Việc trường đại học phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn tài chính sẽ gây cản trở cho quá trình xây dựng và phát triển, nói cách khác là hạn chế những nỗ lực tự thân theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo sử dụng nguồn lực trong và ngoài nhà trường một cách năng động. Đa dạng hóa nguồn thu tạo động lực để trường đại học chủ động phát triển các chương trình đào tạo chất lượng gắn với thị trường, từ đó nâng cao tiềm năng thu học phí với sự chấp nhận của người học. Đồng thời, thúc đẩy vay mượn tiền từ các tổ chức tài chính đầu tư cho cơ sở vật chất và cung cấp các dịch vụ phù hợp với chuyên môn học thuật của trường đại học; đặc biệt là phát triển các dự án đổi mới sáng tạo, gắn liền với các ngành kinh tế qua nghiên cứu và chuyển giao cho các doanh nghiệp.

– Các chính sách đa dạng hóa nguồn thu nổi bật của chính phủ các quốc gia phát triển ở châu Âu áp dụng cho hệ thống đại học, bao gồm:

+ Chính sách tạo điều kiện cho các trường đại học phát triển theo bản sắc doanh nghiệp: Chính phủ tạo ra một khung chính sách để các trường đại học xác định mục tiêu hướng về cung cấp dịch vụ cho thị trường gắn với hoạt động cụ thể (hoạt động bên ngoài khuôn khổ được quy định của trường đại học), bên cạnh các mục tiêu học thuật. Theo đó, chính sách đã tạo ra hành lang pháp lý thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học triển khai các hoạt động khai thác thị trường theo thế mạnh học thuật, đảm bảo chia sẻ lợi nhuận trong nội bộ từ việc đa dạng hóa các mục tiêu và hoạt động gắn với thị trường.

+ Nới lỏng các quy định về hoạt động học thuật đối với trường đại học. Theo đó, nhà nước chỉ quy định khung các phương pháp kiểm định mới, cho phép trường đại học linh động hơn trong việc thiết kế giáo trình, giới thiệu các chủ đề học thuật theo yêu cầu của thị trường.

+ Chính sách cho phép trường đại học thiết kế học phí linh hoạt. Các trường đại học tự chủ sẽ được linh hoạt trong thiết kế khung học phí, để tạo sự khác biệt trong quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của trường trong hệ thống đại học. Với ưu thế về năng lực cạnh tranh và nền tảng giáo dục và nghiên cứu khoa học trên thị trường giáo dục thế giới, các trường đại học ở các quốc gia phát triển có nhiều cơ hội tăng nguồn thu từ sinh viên quốc tế hơn so với sinh viên trong nước.

– Đài Loan đã ban hành Quỹ Sáng lập Phát triển đại học (University Development Foundation Fund – UDFF) vào năm 1995 và có hiệu lực từ năm 1998. Theo hình thức này, các trường đại học công lập chỉ được chính phủ cấp vốn bằng 80% nguồn thu hiện tại và không cần nộp nguồn thu về cho kho bạc. Với cơ chế này, các trường đại học công lập có động lực để tìm kiếm đa dạng các nguồn thu, tối ưu hóa các khoản chi, từ đó nâng cao tự chủ tài chính. Bên cạnh đó, chínhphủ cũng khuyến khích các trường đại học công lập xây dựng đề án phát triển thành các công ty cổ phần công, góp phần nâng cao tính tự chủ tài chính của các đơn vị này.

– Từ năm 2004, các trường đại học công lập ở Nhật Bản, được chuyển đổi thành các công ty cổ phần đại học công. Theo đó, trường đại học công lập trở thành một pháp nhân độc lập và hoạt động quản lý tài chính của các trường này chuyển từ cơ chế kiểm soát chi tiêu thành cơ chế kiểm soát thu chi dựa trên việc tích lũy. Cụ thể, học phí là nguồn thu của riêng trường đại học, thay vì trước đây phải nộp về cho nhà nước. Điều này có nghĩa là trường đại học có quyền kiểm soát việc thu chi [9].

– Ở Indonesia, dù trường đại học có quyền quyết định mức học phí nhưng chính phủ vẫn quy định nguồn thu từ học phí không được cao hơn 30% tổng chi của trường đại học. Đồng thời, chính phủ cũng quy định ít nhất 20% nguồn chi của trường đại học phải dành cho sinh viên nghèo.

– Singapore thực thi và áp dụng mô hình trường đại học vận hành theo cơ chế doanh nghiệp, tập đoàn. Theo đó, cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp “đại học” được triển khai theo các khía cạnh, như: (i) Khai thác nguồn tài chính linh hoạt, chú trọng tận dụng các quỹ tài trợ; (ii) Chế độ lương, thưởng theo mức độ hoàn thành công việc; (iii) Giảng viên không phải là công chức; (iv) Gia tăng quyền tự chủ cho các trường đại học (tập trung vào đại học công lập). Việc coi các trường đại học công lập như các doanh nghiệp “đại học” không có nghĩa là thương mại hóa hoàn toàn, mà theo mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận hoạt động theo cơ chế thị trường, có quyền tự chủ và cạnh tranh lẫn nhau. Nhà nước xác định mục tiêu, chiến lược, định hướng giáo dục đại học chuyển từ cơ chế kiểm soát sang giám sát và tư vấn.

MỘT SỐ HÀM Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

Bối cảnh tự chủ tài chính đại học ở Việt Nam

Giáo dục đại học của Việt Nam trong nhiều năm qua đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Theo báo cáo tổng kết năm học 2020-2021của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước có tổng số 235 trường đại học, học viện, (bao gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 utrường có 100% vốn nước ngoài), 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm. Hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam có gần 73.000 giảng viên, hơn 16.500 tiến sĩ. Tự chủ đại học ghi nhận sự thay đổi rất lớn về nhận thức và sự triển khai quyết liệt của các trường. Tính đến nay, cả nước có 142/175 đơn vị công lập, 34/35 đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành kiện toàn Hội đồng trường. Đội ngũ giảng viên gia tăng về chất lượng, tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ năm 2021 là 31,12%, tăng so năm 2019 và 2020 lần lượt là 28,9% và 30%. Công tác nghiên cứu khoa học được chú trọng cả về số lượng và chất lượng các công trình. Số bài báo ISI/SCOPUS của các cơ sở giáo dục đại học năm 2020 tăng 4 lần so với năm 2016. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2016-2021 cũng tăng dần qua các năm. Đến cuối tháng 7/2021, có 170 cơ sở và 241 chương trình đào tạo đạt chuẩn trong nước; 216 chương trình đào tạo và 7 cơ sở đạt chuẩn kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tính đến nay, sau hơn 6 năm triển khai thí điểm tự chủ đại học, Việt Nam đã có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện tự chủ. Việc cân đối thu – chi của các trường đại học tự chủ đã bước đầu đảm bảo được toàn bộ chi thường xuyên và trích lập được các quỹ nhờ việc được tự chủ học phí và tăng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao. Như vậy, học phí vẫn là nguồn thu quan trọng

đối với trường đại học công lập. Theo đó, mức thu học phí của nhóm các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao và đào tạo tiến sĩ có mức học phí tăng gấp đôi, trong khi nguồn thu học phí từ các chương trình đào tạo không chính quy giảm 5%. Nhưng việc tăng nguồn thu từ học phí đã tạo áp lực cho các trường đầu tư nhiều hơn vào trang bị cơ sở vật chất trong giảng dạy và học tập, tài trợ học bổng cho sinh viên, tài trợ, viện trợ và hoạt động tư vấn và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách tự chủ tài chính đại học tại Việt Nam vẫn gặp phải những hạn chế, như: (i) Tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021, Chính phủ đã quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện cho các trường đại học đẩy mạnh tự chủ tài chính, những các khoản mục đang có sự “cào bằng”, mà chưa tính đến mức chi phí thực tiễn cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo; còn thiếu vắng những quy định về căn cứ để xây dựng khung học phí, bao gồm định mức kinh tế – kĩ thuật phù hợp với từng nhóm ngành, chuyên ngành đào tạo một cách đầy đủ, khoa học, phù hợp với thực tiễn; (ii) Thu từ học phí vẫn là nguồn thu chính của trường đại học khi tự chủ và chiếm trên 70% tổng thu là rất rủi ro, như vậy nguồn thu phụ thuộc nhiều vào tình hình tuyển sinh. Đây là rủi ro cao đối với chất lượng đào tạo của trường đại học do tuyển sinh phụ thuộc vào nhu cầu xã hội và quy định của Nhà nước.

Một số gợi ý về chính sách tự chủ tài chính đại học

Từ kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia trên thế giới và bối cảnh tự chủ tài chính giáo dục đại học Việt Nam, nghiên cứu đưa ra một số gợi ý sau:

Một là, các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục đại học, đồng thời tiến hành rà soát, đồng bộ các quy định trong các bộ luật có liên quan, tránh sự chồng chéo trong các luật. Xây dựng hành lang pháp lý để các trường đại học có thể tự tin thực hiện xây dựng cơ chế tự chủ tài chính theo quy định và hướng dẫn của các văn bản pháp quy.

Hai là, Nhà nước cần thiết lập công tác quản lý đối với các trường đại học theo hướng chuyển từ cơ chế quản lý trực tiếp sang cơ chế điều tiết, hỗ trợ bằng công cụ vĩ mô. Nhà nước chỉ quy định mức sàn các chỉ tiêu tài chính. Các trường đại học căn cứ vào khả năng khai thác nguồn thu để đưa ra mức thu phù hợp. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường, tăng cường giám sát của nhà nước và cộng đồng với các trường qua các tiêu chí tài chính cụ thể và minh bạch.

Ba là, Chính phủ cần có thiết kế cơ chế chính sách cụ thể để phân bổ nguồn ngân sách công cho trường đại học một cách hợp lý. Cần phải có cơ chế phân bổ nguồn ngân sách theo hình thức gói tài trợ dựa trên nền tảng đánh giá kết quả hoạt động đào tạo và nghiên cứu cụ thể hàng năm của trường đại học (các tiêu chí đánh giá có thể là: tỉ lệ tiến sĩ trên tổng số giảng viên cơ hữu, số bài báo công bố quốc tế và trích dẫn từ giảng viên và nghiên cứu sinh, số nghiên cứu được chuyển giao cho các ngành kinh tế và địa phương, số chuyên ngành đào tạo được kiểm định, tài trợ khuyến khích bổ sung cho các quỹ nghiên cứu huy động từ các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức quốc tế). Đồng thời, Chính phủ cần có gói tài trợ hướng đến các trường đại học được cho phép tự chủ hoàn toàn, cụ thể là phải tập trung vào các lĩnh vực, như: (i) Các phòng thí nghiệm có khả năng tiếp cận nghiên cứu đẳng cấp quốc tế; (ii) Thu hút sinh viên và học giả quốc tế phát triển nghiên cứu; (iii) Cơ chế tài trợ nghiên cứu khoa học cho các trường đại học; (iv) Nguồn tài trợ cho các tạp chí học thuật phát triển hệ thống xếp hạng quốc tế; (v) Nguồn tài trợ nghiên cứu công bố quốc tế và nghiên cứu chuyển giao gắn với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.

Bốn là, Chính phủ cần nới lỏng các quy định về tài chính cho trường đại học, cho phép hoạt động theo cơ chế như một doanh nghiệp. Để các trường đại học thực hiện mô hình quản trị mà trách nhiệm thuộc về người đứng đầu, giảm các quyết định mang tính chất tập thể, giúp người đứng đầu có thể thực thi các sáng kiến trong quản trị, điều hành theo cơ chế thu chi tài chính một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Năm là, trao quyền triệt để cho các trường đại học được tự quyết định và chủ động về khai thác, tìm kiếm các nguồn tài chính; tự cân đối thu chi một cách độc lập, minh bạch. Từ đó phát huy thế mạnh sẵn có của mỗi trường đại học trong việc tìm kiếm nguồn thu và khai thác, sử dụng nguồn thu đạt được mục tiêu nhất định./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2021). Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2022). Báo cáo tổng kết năm học 2020-2021

3. Lê Trung Thành – Đoàn Xuân Hậu (2018). Tự chủ đại học: nhìn từ góc độ tự chủ tài chính tại các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học, Nxb Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

4. Phạm Tất Thắng – Nguyễn Thị Tuyết Nga (2018). Hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục đại học để đẩy mạnh quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học, Nxb Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

5. Đào Trọng Thi (2020). Nghiên cứu mô hình đại học tự chủ và các giải pháp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030, Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam”

6. Vũ Tiến Dũng (2021). Tự chủ đại học ở Việt Nam – xu thế tất yếu, Tạp chí Khoa học Quản lý giáo dục, số 1(29)

7. Mora, J. G. – Villarreal, E. (2001). Breaking down structural barriers to innovation in traditional universities, Higher Education Management, Vol. 13(2)

8. Taylor, J. (2011). The assessment of research quality in UK universities: peer review or metrics?, British Journal of Management, Vol. 22 (2), pp. 202-217

9. Phan Thị Lan Hương (2019). Trao quyền tự chủ đại học của Nhật Bản và kinh nghiệm đối với Việt Nam, truy cập từ https://tcnn.vn/news/detail/45861/Trao-quyen-tu-chu-dai-hoc-cua-Nhat-Ban-va-kinh-nghiem-doi-voi-Viet-Nam.html

Trích nguồn

ThS. Lương Vân Hà – Học viện Ngân Hàng

TS. Vũ T