Quy định về con dấu doanh nghiệp mới nhất

THÀNH LẬP CÔNG TY TRONG NƯỚC

Quy định về con dấu doanh nghiệp mới nhất

Con dấu doanh nghiệp là gì?

Hiện hành không có quy định giải thích cụ thể ‘con dấu doanh nghiệp là gì’. Tuy nhiên, thực tế có thể hiểu con dấu doanh nghiệp là phương tiện sử dụng để đóng trên văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp. Con dấu doanh nghiệp là dấu hiệu đặc biệt, không trùng lặp, nhằm phân biệt giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.

Con dấu là đại diện pháp lý của tổ chức đó, có giá trị xác nhận các quyền và nghĩa vụ pháp lý được pháp luật công nhận. Chính vì lẽ đó mà con dấu pháp nhân phải được quản lý hết sức cẩn thận để tránh những rủi ro do bị thất lạc, giả mạo,…

Quy định về con dấu doanh nghiệp mới nhất

Quy định về con dấu doanh nghiệp mới nhất (Hình từ internet)

Quy định về con dấu doanh nghiệp mới nhất

Căn cứ Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về con dấu doanh nghiệp như sau:

– Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

– Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

– Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

Dấu dưới hình thức chữ ký số là dấu của doanh nghiệp?

Căn cứ Khoản 1 Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định dấu của doanh nghiệp bao gồm:

– Dấu được làm tại cơ sở khắc dấu;

– Hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Như vậy, căn cứ quy định nêu thì dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử là dấu của doanh nghiệp.

Trong đó, theo quy định tại Nghị định 130/2018/NĐ-CP thì chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

– Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

– Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.

Chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau:

(1) Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.

(2) Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp:

– Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia;

– Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

– Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;

– Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng theo quy định.

(3) Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.

Doanh nghiệp có phải thông báo mẫu dấu trước khi sử dụng không?

Căn cứ quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp không cần thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu trước khi sử dụng. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp có thể tự khắc dấu hoặc đến cơ sở khắc dấu để làm con dấu.

Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:

– Làm con dấu lần đầu sau khi đăng ký doanh nghiệp;

– Thay đổi số lượng, nội dung, hình thức mẫu con dấu và mầu mực dấu;

– Hủy mẫu con dấu.

Theo Thuvienphapluat.vn