PV: Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp, chúng ta đã đạt được những kết quả khá tích cực trong công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử (TMĐT). Từ góc độ chuyên gia ông đánh giá ra sao về những nỗ lực của ngành Thuế?

Quản lý thuế thương mại điện tử gặt hái thành công nhờ chuyển đổi số
GS.TS Hoàng Văn Cường

GS.TS Hoàng Văn Cường: Hoạt động kinh doanh TMĐT đang đặt ra thách thức rất lớn cho công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng. Đây không chỉ là thách thức với riêng Việt Nam mà với cả các nước phát triển trên thế giới. Nhiều nước trên thế giới đang rất lúng túng trong việc quản lý thu thuế hoạt động TMĐT, đặc biệt là vấn đề kinh doanh xuyên biên giới; còn thất thu thuế rất lớn từ hoạt động kinh doanh này.

Tuy vậy, chúng ta nhìn thấy bước đầu Việt Nam đã đạt được những thành công trong công tác quản lý thuế TMĐT. Kết quả đạt được là rất tích cực. Tôi cho rằng, tiền đề để đạt thành công nêu trên là nhờ ngành Thuế đã tích cực chuyển đổi số. Đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành Thuế Việt Nam.

Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á khẳng định quyền quản lý thuế xuyên biên giới thông qua việc các nhà mạng phải kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành Thuế. Điều này một lần nữa cho thấy, chúng ta đã bắt kịp được xu hướng phát triển của loại hình kinh doanh của cuộc cách mạng công nghệ này.

PV: Ông có thể chia sẻ về những kinh nghiệm mà quốc tế đã áp dụng và chúng ta cần có giải pháp gì để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh này?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Nhiều nước quản lý rất sớm TMĐT nói chung và quản lý thuế nói riêng.

Về giải pháp, thứ nhất chúng ta phải củng cố được nền tảng pháp lý để đảm bảo đầy đủ các cơ sở thực hiện các biện pháp quản lý.

Thứ hai, trong giao dịch hàng hóa thông thường, đối tượng người nộp thuế (NNT), người chịu thuế có hiện diện ở tại nơi quản lý thuế, nhưng trên không gian mạng, đặc biệt là xuyên biên giới thì những NNT không hiện diện vật lý tại nơi quản lý thuế, cho nên việc quản lý ở đây không phải quản lý con người tham gia vào giao dịch mà là quản lý hoạt động kinh tế. Do vậy, cần phải có khuôn khổ pháp lý để thực thi công tác quản lý đảm bảo sự đồng bộ giữa pháp luật trong nước và đặc biệt đảm bảo yếu tố quốc tế.

Quản lý thuế thương mại điện tử gặt hái thành công nhờ chuyển đổi số

Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung

Đồng thời, phải sử dụng các công cụ để thu thập thông tin trên nền tảng số. Chúng ta đang thực hiện khá tốt yếu tố này. Thu thập thông tin trên nền tảng số có rất nhiều công cụ, song hiện nay đang rất phổ biến là sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý nhanh, xử lý nhanh. Qua đó phân tích, biết được toàn bộ ai đang tham gia vào giao dịch hoặc sử dụng phân tích mảng dữ liệu lớn Big Data nhằm tìm ra các hành vi giao dịch và đối tượng giao dịch để theo dõi, quản lý.

Thứ ba, công tác thiết lập tổ chức, phải có con người thực thi. Trước đây, quản lý thuế thường sử dụng bộ máy con người như thanh tra quản lý, kê khai trực tiếp thì bây giờ chuyển sang bộ phận ngồi quản lý thông qua hệ thống điện tử.

Bộ máy điện tử này không dừng lại là cơ quan thuế mà phải được hợp tác rất chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các cơ quan khác như ngành Công thương, ngành Thông tin truyền thông hay ngành Ngân hàng… Bộ máy phải được liên thông với nhau để tạo ra được một cơ quan có trách nhiệm kiểm soát và thực thi các biện pháp quản lý.

Bắt kịp xu hướng phát triển

Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á khẳng định quyền quản lý thuế xuyên biên giới thông qua việc các nhà mạng phải kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành Thuế. Điều này một lần nữa cho thấy, chúng ta đã bắt kịp được xu hướng phát triển của loại hình kinh doanh của cuộc cách mạng công nghệ này. – GS.TS Hoàng Văn Cường.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, sử dụng công cụ liên kết quốc tế là yếu tố rất quan trọng để quản lý được tất cả các hoạt động kinh doanh, dù chủ thế đó ở trong nước hay nước ngoài cũng có thể quản lý thu thuế được.

PV: Ông có đề xuất gì về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuế, pháp luật chuyên ngành liên quan để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với TMĐT trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển như vũ bão hiện nay?

GS.TS Hoàng Văn Cường: Về mặt khuôn khổ pháp luật thì cơ bản chúng ta đã hoàn thiện. Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 liên tục thay đổi, tạo ra nhiều hành vi, nhiều hoạt động rất mới thay đổi liên tục. Chính vì vậy, rất cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện về khuôn khổ pháp luật. Trước hết là pháp luật liên quan đến đối tượng mà chúng ta phải điều chỉnh ở đây là đối tượng nào phải chịu thuế khi diễn ra các giao dịch ở trên mạng.

Tôi cho rằng, khung khổ pháp luật cần phải có độ phổ quát cao hơn. Ví như hiện nay, chúng ta thu thuế thông qua hành vi dòng tiền, nhưng có thể người ta không dùng tiền Việt Nam để thanh toán mà dùng các đồng tiền số, mà chúng ta hiện nay thì chưa thừa nhận đồng tiền số và trên thực tế hiện đang diễn ra.

Vấn đề đặt ra thứ hai là, khi thu thuế trên nền tảng số thì làm thế nào để thu đúng đối tượng, tránh tình trạng trốn thuế, mất bình đẳng, mất cạnh tranh. Điều này không chỉ làm mất nguồn thu về cho Nhà nước mà còn mất bình đẳng giữa những người kinh doanh ở những lĩnh vực khác. Đơn cử, người kinh doanh thông thường thì nộp thuế đầy đủ, còn kinh doanh qua mạng, nền tảng số lại trốn thuế.

Tất cả những vấn đề nêu trên đòi hỏi phải có khuôn khổ pháp luật thực sự đồng bộ, để cho tất cả các bên khi tham gia vào trong môi trường giao dịch trên mạng đều chịu một sự điều tiết chung mới có thể quản lý một cách hiệu quả.

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn