Ngành Tài chính thu hồi về cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra
Thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành giúp phát hiện nhiều sai phạm
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 7 cuộc thanh tra hành chính (trong đó có 5 cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, 2 cuộc thanh tra đột xuất); lưu hành 2 kết luận thanh tra tại 2 đơn vị.
Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên 76,3 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị nộp NSNN trên 35 tỷ đồng; giảm trừ dự toán, quyết toán kinh phí, không thanh toán 208 triệu đồng; giảm lỗ trên 41 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện kiến nghị nộp NSNN trên 6,3 tỷ đồng.
Công chức thanh tra Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng thực hiện thanh tra chuyên ngành tại đơn vị sử dụng ngân sách. Ảnh: H.T |
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị, góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành.
Theo đó, trong 9 tháng qua, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 981 cuộc kiểm tra nội bộ, qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính trên 26 tỷ đồng. Đồng thời, qua thanh tra đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 101 tổ chức và 540 cá nhân, trong đó đã xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm 495 người, cách chức 1 người.
Trong 9 tháng đầu năm, toàn hệ thống Thuế đã thực hiện 51.142 cuộc thanh tra, kiểm tra và kiểm tra 644.011 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị qua thanh tra, kiểm tra là trên 42.526,7 tỷ đồng (bao gồm tiền truy thu, tiền truy hoàn, giảm lỗ, giảm khấu trừ). Ban hành 46.057 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 2.915,2 tỷ đồng. |
Trong công tác thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành trực thuộc đã thực hiện 54.209 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 644.011 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 8.718 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính trên 45.431 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính trên 3.007,6 tỷ đồng; các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện kiến nghị số tiền trên 7.730,8 tỷ đồng.
Riêng Thanh tra Bộ Tài chính trong 9 tháng qua đã thực hiện 22 cuộc thanh tra, kiểm tra (19 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 3 cuộc thanh tra đột xuất), đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính khác trên 414,5 tỷ đồng; trong đó kiến nghị nộp NSNN trên 68 tỷ đồng; giảm trừ dự toán, quyết toán kinh phí, không thanh toán trên 25 tỷ đồng; kiến nghị khác trên 321 tỷ đồng.
Qua công tác thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành 51 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, kế toán, kiểm toán với số tiền trên 1,4 tỷ đồng. Các đơn vị được thanh tra đã thực hiện nộp NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) số tiền trên 159,7 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, qua thanh tra, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đã giúp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, ngân sách tại các đơn vị, đồng thời kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đối các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.
Nhiều chuyển biến rõ rệt
Nhờ nghiêm túc thực hiện PCTN trên tất cả các lĩnh vực hoạt động nên công tác PCTN của toàn ngành Tài chính thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hành động và nhận thức của từng cán bộ, công chức. Đặc biệt, các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã dần được đẩy lùi, đáp ứng kịp thời, hiệu quả theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đã phát hiện nhiều sai phạm, thu về cho NSNN hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa: H.T |
Thời gian tới đây, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh việc rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế – xã hội có liên quan đến các lĩnh vực, chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; ngân hàng; đầu tư xây dựng cơ bản; giáo dục, y tế,…
Trong 9 tháng đầu năm, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn hệ thống đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.718 vụ vi phạm pháp luật hải quan với giá trị hàng hóa vi phạm ước tính trên 2.167,9 tỷ đồng. Số tiền thu nộp NSNN trên 185 tỷ đồng, cơ quan Hải quan đã tiến hành khởi tố 25 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 83 vụ vi phạm, |
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải thực hiện các biện pháp quản lý, kiểm soát nội bộ để khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị mình, như: Công bố công khai địa chỉ thư điện tử, số điện thoại tiếp nhận thông tin, phản ánh về hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình để phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng “tham nhũng vặt”.
Ngoài ra, để công tác PCTN ngày càng phát huy hiệu quả, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách, chú trọng phát hiện những sơ hở, bất cập trong thể chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm loại bỏ “cơ chế xin – cho”, “lợi ích nhóm”, thủ tục hành chính rườm rà gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm soát quyền lực trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, thanh tra tra chuyên ngành, chú trọng thanh tra, kiểm tra theo rủi ro để kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để thu hồi tiền, tài sản bị vi phạm, tham nhũng cho NSNN, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, kỷ cương, kỷ luật tài chính – NSNN, góp phần chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực./.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
CÁC TIN KHÁC
- TUYỂN DỤNG KIỂM TOÁN VIÊN 24 Tháng Mười, 2024
- TUYỂN THỰC TẬP SINH – CHUYÊN NGÀNH KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN 23 Tháng Mười, 2024
- Từ ngày 01/08/2024 – Sở Kế Hoạch & Đầu Tư TP. Hồ Chí Minh cấp GPKD trên giấy A4 thông thường 21 Tháng Tám, 2024
- Bộ Tài chính triển khai chuyển đổi, sử dụng tài khoản VneID trong thực hiện thủ tục hành chính 29 Tháng Sáu, 2024
- Tuyên tuyền, phổ biến chính sách gia hạn nộp thuế đến người dân, doanh nghiệp 20 Tháng Sáu, 2024
- Chính phủ ban hành nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2024 18 Tháng Sáu, 2024
- Nhiều người bất ngờ nhận ‘trát’ phạt nợ thuế, cấm xuất cảnh 15 Tháng Sáu, 2024
- Livestream bán hàng sẽ bị kiểm tra khai, nộp thuế 15 Tháng Sáu, 2024
- Xử phạt chậm nộp tờ khai thuế GTGT 13 Tháng Sáu, 2024
- Cách tra cứu để biết có bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế hay không 10 Tháng Sáu, 2024