Cuộc đua lãi suất và công nghệ giúp các ngân hàng tăng trưởng tiền gửi thế nào trong 6 tháng đầu năm?

Cuộc đua lãi suất và công nghệ giúp các ngân hàng tăng trưởng tiền gửi thế nào trong 6 tháng đầu năm?

Cuộc đua lãi suất và công nghệ giúp các ngân hàng tăng trưởng tiền gửi thế nào trong 6 tháng đầu năm?

Đà tăng tiền gửi vẫn tiếp tục được duy trì và cuộc đua huy động có sự phân hóa mạnh sau kết quả kinh doanh 6 tháng của các nhà băng.

Tiền gửi tiếp tục tăng

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố, tại ngày 31/5/2022, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,37 triệu tỷ đồng, tăng 3,93% so với cuối năm 2021.

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 5 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 161.615 tỷ đồng (~2,86%) so với cuối năm 2021. Tiền gửi của dân cư cuối tháng 5 đạt hơn 5,56 triệu tỷ đồng, tăng 268.480 tỷ (~5,07%) so với cuối năm 2021.

Xu hướng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng tăng lên đang có dấu hiệu kéo dài. Theo báo cáo tài chính quý II vừa được 18 ngân hàng công bố, tính đến ngày 30/06/2022, các nhà băng đã thu hút được hơn 4,151 triệu tỷ tiền gửi, tăng hơn 6% so với thời điểm cuối năm 2021. Mức tăng trưởng tiền gửi ghi nhận trong khoảng 2-22%, trong đó dẫn đầu là VPBank, VIB, TPBank và Bản việt (VietCapital Bank), chỉ có một số ít ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm.

 

Cuộc đua lãi suất và công nghệ giúp các ngân hàng tăng trưởng tiền gửi thế nào trong 6 tháng đầu năm? - Ảnh 1.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Mức tăng trưởng không đồng đều giữa các nhà băng

Tính đến cuối quý II/2022, Vietcombank đã thu hút được gần 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm cuối năm 2021. Ngân hàng này cũng thuộc nhóm có lợi thế “tiền rẻ” hàng đầu hệ thống. Tiền gửi không kỳ hạn tại Vietcombank cuối tháng 6/2022 đạt tới hơn 402 nghìn tỷ đồng, chiếm 34% trong tổng tiền gửi khách hàng. Mặc dù tiền gửi tăng tốt song trong xu hướng chung, mới đây Vietcombank đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó, nhà băng này đã điều chỉnh tăng 0,1-0,2%/năm so với biểu lãi suất cũ.

Tại thời điểm 30/06/2022, lượng tiền gửi khách hàng tại Sacombank là hơn 456 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với cuối năm 2021. Theo thông tin từ phía ngân hàng, cuối tháng 6, tổng huy động (bao gồm cả tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) của nhà băng này đạt hơn 493 nghìn tỷ, tăng trưởng khoảng 6,2%. 

Đến cuối quý II/2022, MB đã huy động được hơn 396 nghìn tỷ tiền gửi, tăng 3% so với đầu năm, và tăng khoảng 1,5% so với thời điểm cuối quý I. Tại ACB, tăng trưởng tiền gửi khách hàng trong 6 tháng đạt hơn 2,2% với tổng trên 388 nghìn tỷ đồng tiền gửi.

Techcombank tính đến cuối tháng 6 đã thu hút được hơn 321 nghìn tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 2% so với cuối năm ngoái. Ngân hàng này cũng đang sở hữu nguồn vốn giá rẻ đạt mức 152,7 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ CASA của nhà băng này đang thuộc top đầu toàn ngành với mức 47,5%.

Cuộc đua lãi suất và công nghệ giúp các ngân hàng tăng trưởng tiền gửi thế nào trong 6 tháng đầu năm? - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC các ngân hàng

Mạng lưới và công nghệ là lợi thế lớn

“Nước chảy chỗ trũng”là điều dễ nhận thấy trong cuộc đua hút khách gửi tiền. Trong khi những ngân hàng lớn mặc dù có lãi suất thấp song lại hút mạnh tiền gửi bởi quy mô mạng lưới rộng khắp, còn một số ngân hàng nhỏ lại ghi nhận tiền gửi tăng trưởng âm. Hiện tại các ông lớn như Agribank có tới hơn 900 chi nhánh; BIDV, VietinBank, Vietcombank, mỗi nhà băng có hơn 150 chi nhánh hay các ngân hàng tư nhân quy mô lớn cũng có đến vài trăm điểm giao dịch, trong khi đó các ngân hàng nhỏ như PGBank, NCB, VietABank chỉ có dưới 30 chi nhánh.

Tuy nhiên không phải ông lớn ngân hàng nào cũng tăng trưởng tiền gửi mạnh hơn ngân hàng nhỏ. Trong khi đầu tư mạnh cho công nghệ và chuyển đổi số đã giúp các ngân hàng lớn Techcombank, VPBank, MB “hổ mọc thêm cánh” thì những ngân hàng quy mô thấp hơn chút xíu như VIB, TPBank cũng bứt phá mạnh, còn nhóm nhỏ hơn như Bản Việt, Nam Á cũng ghi dấu ấn đậm nét trên thị trường với mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác.

Số liệu chứng minh, tiền gửi khách hàng tại VPBank tính đến 30/6 vừa qua đã ghi nhận mức tăng gần 22% so với đầu năm. Cuối quý I/2022, ngân hàng này từng đứng ở vị trí quán quân về tốc độ tăng trưởng tiền gửi, với mức tăng trưởng gần 13,4%.

Tại VIB, tiền gửi khách hàng đã tăng trưởng gần 14% so với cuối năm 2021. Tính đến cuối tháng 6/2022, lượng tiền gửi mà ngân hàng này huy động được là hơn 197 nghìn tỷ. TPBank là cái tên kế tiếp với mức tăng trưởng gần 12% và Bản Việt cũng ghi nhận mức tăng tiền gửi trên 10%.

Những tác động từ cuộc đua lãi suất

Cuộc đua lãi suất và công nghệ giúp các ngân hàng tăng trưởng tiền gửi thế nào trong 6 tháng đầu năm? - Ảnh 3.

Tính từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã và đang trong cuộc đua tăng lãi suất. Nhiều nhà băng tiếp tục tăng lãi suất tiền gửi ngay đầu tháng 7, mức hơn 7%/năm đã xuất hiện tại hơn chục ngân hàng.

Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, thời gian qua ở các ngân hàng có ghi nhận trường hợp lượng tiền huy động vào ít hơn lượng tiền cho vay ra. Điều này dẫn đến việc khi nền kinh tế phục hồi các nhà băng không đủ vốn để cho vay. Vì lẽ đó, các ngân hàng phải tăng cường thu hút nguồn vốn bằng việc tăng lãi suất.

“Việc tăng lãi suất huy động cũng có thể ảnh hưởng đến lãi suất đầu ra. Cơ quan quản lý vẫn đang cố gắng ổn định và duy trì lãi suất đầu ra ở mức thấp. Nếu việc này có thể thực hiện được thì việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi cũng có thể tốt hơn”, ông Thịnh nhận định.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia cho biết, “Thời gian qua một số ngân hàng nâng lãi suất tiết kiệm để tăng nguồn tiền gửi trong bối cảnh năm nay nhu cầu tín dụng đã và đang tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra năm nay một số kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán không được thuận lợi như 2 năm vừa qua nên người dân và doanh nghiệp đã quay trở lại gửi tiền trong ngân hàng nhiều hơn”.

Theo ông Lực, khi lãi suất tăng đương nhiên người dân và doanh nghiệp được hưởng mức lợi tức cao hơn. Bên cạnh đó cũng góp phần củng cố nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng ở các kỳ hạn, qua đó đáp ứng nhu cầu tín dụng tốt hơn từ đây đến cuối năm.

Theo Nhịp sống kinh tế