Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Đó là chủ đề phiên thảo luận tiếp theo trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2022, vào chiều 25/11, các chuyên gia, các nhà quản lý cũng như các Tổ chức Tài chính quốc tế tiếp tục chương trình thảo luận với chủ đề “Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển”. TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) điều hành phiên thảo luận.

Chủ trì phiên thảo luận vào chiều ngày 25/11

Chính sách thuế thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển

Tại phiên thảo luận, ông Trương Bá Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, ở góc độ là cơ quan trình các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời trình các cấp có thẩm quyền các chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân.

Theo ông Trương Bá Tuấn, gói tài khóa hỗ trợ trong năm 2022 lên tới 233 nghìn tỷ đồng, đến hết tháng 10 số thực hiện ước 160 nghìn tỷ đồng. “Các chính sách thuế đều được đánh giá kỹ, liều lượng phù hợp, thực hiện đảm bảo đồng bộ với các chính sách pháp luật liên quan”, ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh.

Ông Trương Bá Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế tham luận tại Diễn đàn

Phân tích rõ hơn về hiệu quả gói hỗ trợ về tài khóa thời gian qua, theo ông Tuấn đó chính là tính kịp thời của chính sách. Các giải pháp hỗ trợ được xây dựng và triển khai thực hiện trên cơ sở đánh giá tác động kỹ trước khi ban hành, có liều lượng phù hợp với điều kiện và bối cảnh kinh tế – xã hội của đất nước và khả năng hấp thụ của nền kinh tế, cũng như phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của NSNN.

Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ về thuế đã đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, được triển khai thực hiện quyết liệt; có những biện pháp chưa có tiền lệ, lần đầu được áp dụng ở Việt Nam. Trong đó, sử dụng đồng thời các biện pháp để giảm trực tiếp nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí, nhất là cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và các biện pháp về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất để xử lý vấn đề về dòng tiền cho người nộp thuế trong khi không làm ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm.

Các giải pháp hỗ trợ về thuế đã giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả của nhiều nhóm hàng hóa là tư liệu sản xuất tăng cao. Năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đã làm giảm đáng kể chi phí thuế trong cơ cấu giá xăng dầu.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Ông Trương Bá Tuấn cho rằng, các giải pháp điều chỉnh về chính sách thuế trong thời gian tới cần phải xử lý được những vấn đề đặt ra trong ngắn hạn gắn với yêu cầu phục hồi kinh tế giai đoạn sau dịch Covid-19 và ứng phó với sự gia tăng của áp lực lạm phát và những yêu cầu có tính chất dài hạn gắn với việc củng cố, cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững.

Thời gian tới, sẽ rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn, tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời có hiệu quả các giải pháp chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế để kịp thời giảm áp lực tăng giá và giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khắc phục các khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và sự gia tăng giá cả của các nhóm hàng là tư liệu sản xuất gây ra, đặc biệt là giá xăng dầu.

Về trung và dài hạn, quá trình cải cách hệ thống chính sách thuế được thực hiện một cách đồng bộ trên cơ sở lấy việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển làm gốc. Quá trình cải cách thuế phải hướng đặc biệt coi trọng đến yêu cầu nuôi dưỡng nguồn thu bền vững trong dài hạn.

Doanh nghiệp tiếp cận về giãn, giảm thuế phí nhanh nhất

Cũng tại phiên thảo luận, đánh giá về tính tiếp cận về thuế, phí của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết: Qua khảo sát, điều tra hơn 12.000 doanh nghiệp (DN) trong 63 tỉnh, thành cho thấy, dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tác động nhiều mặt tới DN. DN phải đối mặt với những khó khăn về vốn, nhân sự, thị trường…và sự lạc quan của DN cũng giảm đi nhiều.

“Chính sách tài chính đóng góp cực kỳ quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế. Chương trình phục hồi được đánh giá là nhanh, kịp thời. Tuy nhiên, mức độ thực hiện có khác nhau. DN tiếp cận về thuế, phí là nhanh nhất và trên diện rộng”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI tại phiên thảo luận

Trong bối cảnh năm 2023 còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu các chính sách nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, như tiếp tục gia hạn giảm 2% thuế GTGT, vì ông cho rằng “đây là nhóm chính sách quan trọng và hiệu quả cao”. Cũng như cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới cách thức quản lý, chuyển sang hậu kiểm, quản lý rủi ro. Đồng thời thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường kỷ luật thị trường, thanh tra, kiểm tra, quản lý bằng rủi ro./.

Nguồn: https://mof.gov.vn/