Không cần thiết phải kéo dài Thông tư 14

TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, không nên gia hạn Thông tư 14 khi Thông tư này hết hiệu lực vào 30/6 tới đây. Bởi nếu tiếp tục kéo dài sẽ tăng gánh nặng nợ trong tương lai cho ngân hàng.

(Hình ảnh minh họa)

 Theo đánh giá của giới chuyên môn, Thông tư 01/2020/TT-NHNN (nay là Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn dịch Covid-19 và phục hồi sau dịch.

Theo thông tin từ NHNN, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ mà các TCTD đã cơ cấu để hỗ trợ khách hàng từ khi áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng. Lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

Tuy nhiên theo Thông tư 14, các TCTD chỉ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí với số dư nợ gốc, hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2022.

Câu chuyện về việc có nên tiếp tục gia hạn Thông tư 14, tức kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế tăng tốc hay không đang được dư luận quan tâm. Đã có ý kiến đề xuất nên kéo dài, nhưng cũng có quan điểm cho rằng, nền kinh tế cũng đang trên đà hồi phục tốt và các doanh nghiệp cũng đang dần lấy lại được nội lực, không cần thiết phải kéo dài Thông tư này.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, thời gian qua chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hiện nhiều doanh nghiệp đang trên đà phục hồi sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng rất tốt. Song, cũng có một số khách hàng mặc dù có doanh thu, dòng tiền tốt nhưng vẫn ỷ lại cơ chế hỗ trợ, không hợp tác trả nợ ngân hàng. Vì vậy, lãnh đạo ngân hàng này mong muốn, không nên kéo dài thêm thời hạn cơ cấu nợ.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng Trần Đăng Phi cho hay, cuối năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Hiện nay, dịch Covid-19 cũng cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp, người dân đã trở lại trạng thái hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Vì vậy việc kéo dài Thông tư 14 là không cần thiết. Hơn nữa, quy mô dư nợ tín dụng với các đối tượng được cơ cấu nợ theo Thông tư 14 chỉ chiếm 5% tổng dư nợ, nên việc dừng thực hiện thông tư cũng không khiến tín dụng toàn hệ thống bị ảnh hưởng nhiều. “Với tinh thần đó, NHNN không đặt vấn đề kéo dài Thông tư 14”, ông Phi cho biết.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, không nên gia hạn Thông tư 14 khi Thông tư này hết hiệu lực vào 30/6 tới đây. Bởi nếu tiếp tục kéo dài sẽ tăng gánh nặng nợ trong tương lai cho ngân hàng.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, hai năm qua nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Quy định cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khiến những khoản nợ dưới chuẩn được cơ cấu tăng lên. Bởi vậy, việc dừng thực hiện Thông tư 14 sẽ giúp các ngân hàng đối mặt rõ hơn với nợ xấu. Mặt khác, bản thân doanh nghiệp cũng đến lúc cần tự nỗ lực, chứ cũng nên trông chờ, dựa dẫm mãi vào chính sách, vì hiện tại các yếu tố kinh tế đã tốt hơn trước rất nhiều.

Trên giác độ của một nhà khoa học, TS. Châu Đình Linh – Chuyên gia ngân hàng cũng ủng hộ chủ trương không kéo dài thời hạn cơ cấu nợ. Bởi việc kéo dài sẽ khiến các ngân hàng đối mặt với rủi ro nợ xấu rất lớn trong tương lai. Vị chuyên gia này cũng gợi ý bản thân mỗi ngân hàng chủ động có cơ chế khuyến khích để khách hàng hợp tác trả nợ tốt hơn. Chẳng hạn, khách hàng trả nợ đúng hạn có thể tiếp cận khoản vay lần kế tiếp thuận lợi hơn, lãi suất cho vay tốt hơn…

TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng, chính sách này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn chưa trả được nợ vẫn có đủ điều kiện được tiếp cận nguồn tín dụng để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên về lâu dài, việc không chuyển nhóm nợ sẽ khiến nợ xấu tích tụ càng nhiều, gây khó khăn và rủi ro cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Trong chuyến làm việc mới đây tại Việt Nam, Đoàn công tác Điều IV của IMF cũng khuyến nghị nên dừng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ vào tháng 6 tới đây do nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục và nhằm hạn chế rủi ro. “Tăng cường sức chống chịu của khu vực ngân hàng là thiết yếu để hỗ trợ một cách bền vững cho tăng trưởng trong trung hạn. Nên chấm dứt nới lỏng các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng khi sự phục hồi trở nên mạnh mẽ hơn. Các quy định cho phép cơ cấu lại nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ không nên được gia hạn áp dụng sau thời hạn tháng 6/2022 vì điều này sẽ làm chậm trễ việc ghi nhận các tài sản xấu và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phân bổ tín dụng sai lệch và chấp nhận rủi ro quá mức”, báo cáo nhấn mạnh.

Về phía NHNN, ông Nguyễn Đăng Phi cho biết, sau khi dừng thực hiện Thông tư 14, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh cũng như vướng mắc của doanh nghiệp để có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.

Trích nguồn

Nguyễn Vũ

 

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN