PV: Sau hơn 7 tháng Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN đi vào hoạt động, xin ông cho biết tình hình đăng ký, kê khai và nộp thuế của các NCCNN qua cổng như thế nào, thưa ông?

7 tháng, các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp thuế hơn 3.100 tỷ đồng
Ông Nguyễn Bằng Thắng

Ông Nguyễn Bằng Thắng: Trước hết tôi phải nhấn mạnh rằng, Việt Nam là 1 trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến. Điều này khẳng định chủ quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số. Có thể nói, cổng thông tin điện tử này đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các NCCNN chủ động thực hiện quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp; qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời đại kinh tế số.

Sau hơn 7 tháng triển khai (từ ngày 21/3/2022 đến nay), đã có 37 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN. Đến ngày 7/11/2022, tổng số thuế các doanh nghiệp này đã khai và nộp đạt trên 3.100 tỷ đồng. Trong đó, 6 NCCNN lớn như Facebook (Meta), Google, Microsoft, TikTok,Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

PV: Như ông vừa nói, 6 nhà cung cấp nước ngoài chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký nộp thuế tại Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN. Xin ông cho biết ngành Thuế đã có giải pháp gì để những “ông lớn” này thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế như vậy?

Ông Nguyễn Bằng Thắng: Có được kết quả trên là nhờ sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ nhất, về chính sách pháp luật, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và báo cáo Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 (quy định tại Điểm 4 Điều 42). Trong luật, lần đầu tiên đã quy định trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế; nghĩa vụ của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế tại Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN do Bộ Tài chính quản lý.

7 tháng, các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp thuế hơn 3.100 tỷ đồng

Thương mại điện tử ngày càng được mở rộng và đang trở thành phương thức kinh doanh phổ biến tại Việt Nam.

Thứ hai, sự chỉ đạo toàn diện của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước giữa: Bộ Tài chính với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước trong quản lý nhà nước với việc quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Thứ ba, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cũng đã thực hiện nhiều hình thức, giải pháp tuyên truyền, trao đổi trực tiếp các NCCNN, như: Facebook, Google, Apple…; hoặc gián tiếp thông qua các đại sứ quán (có các NCCNN lớn hoạt động tại Việt Nam); một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn như: Ernst & Young, KPMG, PWC, Deloitte để hoàn thiện các giải pháp đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại cổng, đảm bảo NCCNN có thể dễ dàng thực hiện.

Các NCCNN đã có các đề xuất, góp ý cho cơ quan thuế để hoàn thiện chính sách thuế, công cụ quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan thuế và thực hiện đăng ký nộp thuế tại Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN. Điều này cho thấy sự phối hợp, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của NCCNN khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

6 “ông lớn” đã kê khai và nộp hàng nghìn tỷ đồng

Tổng cục Thuế cho biết, hiện 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn như Facebook (Meta), Google, Microsoft, TikTok,Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam. Riêng Facebook nộp trên 1.700 tỷ đồng, Google nộp gần 1.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trân trọng cảm ơn sự phối hợp của các NCCNN, trong đó có 6 NCCNN lớn là Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple đã tìm hiểu các chính sách thuế và tự giác tuân thủ nghĩa vụ thuế. Điều này cũng cho thấy, chính sách thuế, quản lý thuế của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn thế giới khi kinh doanh tại Việt Nam.

PV: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số ngày càng phát triển. Tổng cục Thuế đã có giải pháp gì để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số được cho là sẽ bùng nổ trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Bằng Thắng: Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo đối với các bộ, ngành trong việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 889/CĐ-TTg ngày 1/10/2022 chỉ đạo tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cho công tác chống thất thu thuế. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu đối với TMĐT; áp dụng các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kê khai và nộp thuế trực tuyến 24/7

Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, nhiều giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đang được Tổng cục Thuế triển khai, đó là:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự kê khai chịu trách nhiệm đặc biệt hướng dẫn người nộp thuế là các NCCNN có thể kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành Thuế.

Thứ hai, tích cực tham gia đàm phán hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh tế số.

Thứ ba, hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật về thuế để tăng cường khả năng trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, các cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thông qua sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý thuế.

Thứ tư, tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, sàn TMĐT) theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Thứ năm, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Thứ sáu, xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước và người nộp thuế, các sàn giao dịch TMĐT để tạo điều kiện cho việc kê khai nộp thuế 24/7 đáp ứng nhu cầu TMĐT.

Thứ bảy, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối chiếu thông tin phát hiện ra những vi phạm của người nộp thuế, từ đó có những kiến nghị xây dựng chính sách phù hợp hơn.

Thứ tám, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin, xây dựng chính sách pháp luật đồng nhất trong quản lý hoạt động TMĐT.

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn