Thủ tục giám định tai nạn lao động lần đầu cho NLĐ

Người lao động cần thực hiện việc giám định thương tật sau tai nạn lao động để có thể được hưởng đầy đủ các quyền lợi. Vậy đối với tai nạn lao động lần đầu thì thủ tục giám định ra sao?

Thủ tục giám định tai nạn lao động lần đầu cho NLĐ (Hình từ Internet)

1. Hồ sơ giám định thương tật tai nạn lao động lần đầu

– Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT đối với trường hợp người bị tai nạn lao động thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định;

Hoặc Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT đối với người lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định không còn thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động;

– Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị cho người lao động) cấp theo mẫu quy định tại Quyết định 4069/2001/QĐ-BYT;

– Giấy ra viện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án. Trường hợp người lao động không điều trị nội trú hoặc ngoại trú thì phải có giấy tờ về khám, điều trị thương tật phù hợp với thời điểm xảy ra tai nạn lao động và tổn thương đề nghị giám định.

Trường hợp người được giám định thuộc đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 47 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015: Trong bản tóm tắt hồ sơ bệnh án phải ghi rõ tổn thương do tai nạn lao động không có khả năng điều trị ổn định.

– Một trong các giấy tờ có ảnh sau đây: chứng minh nhân dân; căn cước công dân; hộ chiếu còn hiệu lực. 

Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.

(Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT)

2. Thủ tục giám định thương tật tai nạn lao động lần đầu

– Bước 1: Người người lao động hoặc tổ chức sử dụng lao động gửi hồ sơ xin giám định cho Cơ quan thường trực của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh;

– Bước 2: Căn cứ hồ sơ của đối tượng giám định, Cơ quan thường trực Hội đồng giám định y khoa có trách nhiệm xem xét và tổ chức khám giám định theo đúng thời gian quy định của pháp luật;

Trường hợp không khám giám định, trong thời gian 10 ngày làm việc, Hội đồng Giám định Y khoa cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu giám định biết trong đó nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về việc không tổ chức khám giám định của Hội đồng;

– Bước 3: Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ khi Hội đồng có kết luận, cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y khoa có trách nhiệm phát hành Biên bản giám định y khoa.

(Theo Phần II Phụ lục I Quyết định 2968/QĐ-BYT ngày 16/5/2018)

3. Chi phí giám định thương tật tai nạn lao động lần đầu

– Chi phí giám định thương tật tai nạn lao động lần đầu được thực hiện theo chế độ thu của Thông tư 243/2016/TT-BTC.

– Theo khoản 1 Điều 42 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 thì chi phí giám định thương tật tai nạn lao động lần đầu được chi trả từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, nghề nghiệp như sau:

Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015;

Trả phí khám giám định đối với trường hợp người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 47 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 mà kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, khi giám định thương tật tai nạn lao động lần đầu cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.

>>> Xem thêm: Đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có được khám giám định lại sau 1,5 năm không? Trình tự, nội dung khám giám định tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp?

Có cần giấy chứng nhận thương tích khi giám định tai nạn lao động không? Trường hợp tái phát tổn thương do tai nạn lao động thì hồ sơ gồm những gì?

Khi người lao động bị tai nạn lao động thì cơ quan bảo hiểm xã hội hay công ty giới thiệu cho người lao động đi giám định tai nạn lao động?

Trích nguồn