Ngành Thuế chủ động các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thu
Nhiều yếu tố dự báo sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu
Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến tháng 8/2022, tổng thu nội địa toàn ngành thực hiện đạt gần 911.030 tỷ đồng. Loại trừ các yếu tố từ chính sách miễn, giảm, gia hạn, số thu thuế, phí nội địa (không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận chênh lệch, xổ số và thu chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước) tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Đánh giá kết quả đạt được, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn ghi nhận, lĩnh vực đóng góp số thu lớn trong tăng trưởng thu nội địa những tháng đầu năm xuất phát từ các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản (BĐS) và dầu khí, với số thu tăng 31,4% so cùng kỳ. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thuế lưu ý, mức thu đối với các lĩnh vực nêu trên là không bền vững, thể hiện trong quý I/2022 thu đạt khoảng 48.300 tỷ đồng, tăng 18,1% so cùng kỳ, nhưng thu trong quý II/2022 có sự sụt giảm rõ rệt, tổng thu đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, bằng 82,8% so quý I/2022.
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung |
Người đứng đầu Tổng cục Thuế dự báo, số thu những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của việc Chính phủ ưu tiên kiểm soát lạm phát, tăng cường quản lý việc phát hành trái phiếu đối với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, kiểm soát chặt chẽ thị trường BĐS và chứng khoán.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP, Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ, cùng việc tiếp tục giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc hỗ trợ nguồn lực tài chính cho người dân và doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh dự báo sẽ tác động mạnh đến kết quả thu những tháng tiếp theo.
Rà soát, đánh giá để chủ động phương án đảm bảo nguồn thu
Trước dự báo thu ngân sách những tháng cuối năm đối diện nhiều khó khăn, thách thức, người đứng đầu ngành Thuế giao Vụ Dự toán thu thuế và cơ quan thuế các cấp theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế và có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ về thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, giúp doanh nghiệp và người dân nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn nộp thuế hơn 78.637 tỷ đồngTriển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh của Quốc hội, Chính phủ, trong 7 tháng năm 2022, Tổng cục Thuế đã thực hiện các giải pháp miễn, giảm, gia hạn nộp thuế với tổng số tiền lên tới trên 78.637 tỷ đồng. |
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế các địa phương cũng đang rốt ráo các hoạt động triển khai. Tại Cục Thuế Quảng Ngãi, Cục trưởng Bùi Khánh Toàn đã chỉ đạo các phòng, chi cục thuế trên địa bàn tiếp tục bám sát nội dung, chương trình công tác, cụ thể hóa kế hoạch đã đăng ký bằng những nhiệm vụ, chương trình cụ thể. Đồng thời tổ chức rà soát, dự báo số thu cả năm trên địa bàn; tiếp tục quản lý chặt chẽ, bao quát người nộp thuế (NNT), các khoản thu, sắc thuế, nhất là các nguồn thu còn dư địa.
Song song với đó, Cục Thuế Quảng Ngãi nâng cao chất lượng phân tích chuyên sâu hồ sơ khai thuế và hiệu quả thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT, từng bước có kế hoạch cảnh báo sớm sai phạm cho NNT; tiếp tục theo dõi chặt chẽ, có biện pháp thu kịp thời các khoản nợ thuế vào NSNN…
Còn tại Cục Thuế Bà Rịa – Vũng Tàu, qua phân tích cho thấy, mặc dù thu nội địa những tháng đầu năm đạt khá, song nguồn thu từ dầu thô vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong khi đây là nguồn thu thiếu bền vững. Để chủ động phương án cho nhiệm vụ thu, toàn đơn vị sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra đảm bảo hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao năm 2022.
Một địa phương khác, ông Đinh Nam Thắng – Cục trưởng Cục Thuế Ninh Bình cho biết, đối với công tác quản lý thuế, Cục Thuế Ninh Bình thường xuyên phân tích, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn thu, xác định cụ thể từng lĩnh vực, sắc thuế có nguy cơ thất thu, chỉ rõ nguyên nhân tồn tại, trên cơ sở đó tham mưu với UBND tỉnh các biện pháp chỉ đạo, điều hành thu một cách hiệu quả, hạn chế tối đa thất thu ngân sách trên địa bàn.
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
CÁC TIN KHÁC
- Không gian tài khóa của Việt Nam còn khá lớn! 19 Tháng Chín, 2022
- Ngân hàng sẵn sàng cho vay mua nhà để ở 4 Tháng Bảy, 2022
- Hồ sơ mời quan tâm là gì? Quy trình phát hành HSMQT qua mạng. 18 Tháng Bảy, 2022
- Năm 2022: Phụ cấp lương bao gồm những khoản tiền nào? 2 Tháng Bảy, 2022
- Tỷ giá USD hôm nay 21/7:Tiếp tục nối dài chuỗi ngày giảm 21 Tháng Bảy, 2022
- Thuế thu nhập cá nhân bảy tháng gần cán đích cả năm 18 Tháng Tám, 2022
- Nghị quyết số: 43/2022/QH15 10 Tháng Bảy, 2022
- Xây dựng kế hoạch dự toán NSNN năm 2023: Lường trước những khó khăn, thách thức để ứng phó kịp thời 8 Tháng Tám, 2022
- Tiếp tục tiết kiệm triệt để chi tiêu công trong năm 2023 12 Tháng Mười Hai, 2022
- Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/6 2 Tháng Bảy, 2022