Áp dụng chế độ kế toán với hoạt động từ thiện từ nguồn đóng góp tự nguyện từ 1/9
Tạo sự minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý
Hiện nay, các hoạt động xã hội, từ thiện được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và có nhiều đối tượng trong xã hội tham gia. Các nguồn tài chính của hoạt động xã hội, từ thiện không có nguồn gốc ngân sách nhà nước mà do các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, các hoạt động này cần phải được ghi chép, phản ánh đầy đủ, kịp thời, khoa học để đảm bảo tính minh bạch, tránh hiện tượng lợi dụng gây thất thoát tiền, tài sản, nguồn lực của xã hội, tạo niềm tin cho công chúng.
Hoạt động từ thiện phải mở sổ kế toán, minh bạch thông tin. Ảnh minh họa |
Chính vì vậy, việc ban hành thông tư hướng dẫn kế toán cho hoạt động xã hội, từ thiện sẽ đáp ứng được yêu cầu quản lý, tạo ra sự minh bạch cho các hoạt động tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho mục đích xã hội, từ thiện.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2022/BTC hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện nhằm hướng dẫn ghi chép, phản ánh và báo cáo đầy đủ, kịp thời số liệu liên quan đến các hoạt động tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân, đảm bảo tính minh bạch, tránh hiện tượng lợi dụng gây thất thoát tiền, tài sản, nguồn lực của xã hội, tạo niềm tin cho công chúng.
Phạm vi điều chỉnh của Thông tư 41/2022/BTC bao gồm: hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo quy định của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP; các hoạt động tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ theo Nghị định 93/2021/NĐ-CP.
Quy định về kiểm tra, giám sát kế toán Thông tư 41/2022/BTC quy định, các tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện phải chịu sự kiểm tra, giám sát về công tác kế toán của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật kế toán. |
Ngoài ra các hoạt động tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước khác với mục đích để trợ giúp cho các đối tượng gặp khó khăn, yếu thế trong cuộc sống mà theo quy định phải thực hiện kế toán thì phải áp dụng thông tư này.
Theo quy định, đối tượng áp dụng Thông tư 41/2022/BTC là các tổ chức, đơn vị, cá nhân có các hoạt động xã hội, từ thiện, bao gồm: quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; ban vận động quỹ Vì người nghèo các cấp hoạt động theo Quyết định số 1198/QĐ-MTTW-ĐCT năm 2016 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện.
Quy định đối với hoạt động của cá nhân với nguồn đóng góp tự nguyện
Thông tư 41/2022/BTC quy định, cá nhân phải mở sổ sách ngay khi bắt đầu thực hiện các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện để ghi chép các khoản đã tiếp nhận của các nhà tài trợ; các khoản đã phân phối và sử dụng từ nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện một cách chính xác, trung thực, đảm bảo công khai, minh bạch.
Ảnh minh họa |
Đối với khoản cá nhân tiếp nhận tài trợ bằng tiền từ các nhà tài trợ để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện, người vận động phải mở riêng tài khoản cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng, không được nhận tiền tài trợ cho mục đích xã hội, từ thiện vào chung tài khoản sử dụng chi tiêu cá nhân của người vận động theo quy định Nghị định 93/2021/NĐ-CP.
Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng tiền mặt, cá nhân phải có trách nhiệm bảo quản an toàn tiền mặt nhận tài trợ, trong trường hợp chưa sử dụng có thể đem gửi vào tài khoản được mở riêng cho mục đích xã hội, từ thiện tại ngân hàng.
Trường hợp tiếp nhận tài trợ bằng ngoại tệ, cá nhân phải bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại và sử dụng tiền Việt Nam để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện. Lãi tiền gửi sau khi trừ đi chi phí thanh toán được bổ sung tăng nguồn tài trợ.
Thông tư này cũng quy định, cá nhân phải lập sổ tổng hợp ghi chép số liệu đối với khoản đã nhận tài trợ, trong đó quy định ác khoản đã tiếp nhận tài trợ bằng tiền của các nhà tài trợ phải được ghi chép theo thời gian đóng góp thực tế, bao gồm: thông tin của nhà tài trợ; số tiền đóng góp; hình thức đóng; thời gian nhận đóng góp; địa chỉ nhận hỗ trợ (nếu nhà tài trợ chỉ định địa chỉ nhận hỗ trợ) và thông tin cần thiết khác (nếu có).
Khi tiếp nhận tài trợ bằng hiện vật, cá nhân người vận động phải chịu trách nhiệm bảo quản an toàn, phân phối kịp thời số hiện vật đến các địa chỉ cần hỗ trợ. Phải mở riêng sổ để ghi chép đầy đủ số hiện vật nhận tài trợ bao gồm các thông tin như ngày nhận, tên và địa chỉ người đóng góp, loại hiện vật, số lượng nhận, địa chỉ hỗ trợ chỉ định sẵn (nếu có)….
Thông tư 41/2022/BTC quy định, đối với khoản cá nhân đã phân phối, sử dụng cho các địa chỉ xã hội, từ thiện: phải mở sổ và ghi chép đầy đủ các thông tin, bao gồm thời gian hỗ trợ, họ tên và địa chỉ người nhận, hình thức hỗ trợ bao gồm hỗ trợ bằng tiền, bằng hiện vật (ghi rõ loại hiện vật đã hỗ trợ) hoặc hỗ trợ bằng hạng mục xây dựng, sửa chữa,…và chữ ký của người nhận theo mẫu “Sổ tổng hợp số liệu phân phối nguồn tài trợ”. Trong đó, đối với các khoản chi tiền để mua sắm hàng hóa, hiện vật mang đi tài trợ hoặc mua sắm vật tư,… chi trả cho việc xây dựng, sửa chữa công trình thì phải có đầy đủ các hóa đơn, chứng từ mua bán hợp lệ, hợp pháp theo quy định của pháp luật làm căn cứ ghi sổ. |