Đưa thị trường trái phiếu vào khuôn khổ.

Việc đưa trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ lên giao dịch trên các sàn chứng khoán được kỳ vọng sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, tăng thanh khoản và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Sàng lọc và soi kỹ tài sản đảm bảo

Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ trên hệ thống giao dịch chứng khoán mà Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến, thì các TPDN (dạng không chuyển đổi, không kèm chứng quyền) sẽ được phép giao dịch trên các sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, để được niêm yết và mua bán trên sàn, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải đảm bảo có mức vốn điều lệ tại thời điểm giao dịch từ 30 tỷ đồng trở lên, không có lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính gần nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp đưa trái phiếu vào sàn phải là công ty đại chúng, có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn.

Bình luận về điểm mới của dự thảo Thông tư này, hầu hết các chuyên gia tài chính đầu tư đều cho rằng việc đưa vào sàn giao dịch tập trung là giải pháp phù hợp với thị trường TPDN của Việt Nam hiện nay. Bởi sau gần 11 tháng triển khai Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ) mặc dù điều kiện phát hành trái phiếu đã được “siết” lại đáng kể, nhưng thị trường vẫn hết sức nóng.

Ông Nguyễn Kim Long – Giám đốc Luật và Kiểm soát tuân thủ Công ty chứng khoán SSI cho biết, trong 9 tháng đầu năm đã có trên 385.000 tỷ đồng TPDN được phát hành. Tuy nhiên, tình trạng lách luật để phân phối trái phiếu riêng lẻ tới các nhà đầu tư không đủ chuẩn đã khá phổ biến. Số lượng TPDN không được xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản đảm bảo và không được bảo lãnh thanh toán khá nhiều, khiến rủi ro đối với lĩnh vực này tăng cao.

Theo ông Long, việc niêm yết trên các sàn tập trung sẽ khiến thanh khoản của thị trường TPDN được cải thiện hơn. Quy định bắt buộc doanh nghiệp phải “có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn” là quy định rất dứt khoát và rõ ràng được thể hiện trong dự thảo Thông tư. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định 153/2020/NĐ-CP và các văn bản luật liên quan không có quy định cụ thể tài sản đảm bảo là loại tài sản gì, do đó rủi ro cho trái chủ vẫn ở mức cao trong trường hợp tài sản đó có nguy cơ suy giảm nhanh về giá trị. Vì vậy, dự thảo Thông tư cần bổ sung thêm các quy định cụ thể về loại hình tài sản, hình thức sở hữu và cách thức định giá. Từ đó, nhà đầu tư mới có căn cứ để nhìn nhận, so sánh khi quyết định đầu tư.

Cuối năm sau sẽ đưa trái phiếu lên sàn

Theo ông Trần Đức Anh – Giám đốc Vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thời điểm hiện nay việc đưa TPDN vào sàn giao dịch tập trung sẽ giúp kích hoạt thanh khoản cho thị trường trái phiếu thứ cấp. “Khi sàn giao dịch thứ cấp được thành lập sẽ thúc đẩy phát triển các đơn vị xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Từ đó dòng vốn đầu tư sẽ chảy mạnh hơn vào thị trường trái phiếu”, ông Đức Anh kỳ vọng.

Tuy nhiên, ở góc độ khả thi, nhiều chuyên gia lĩnh vực chứng khoán cho rằng, hiện nay số lượng doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu rất lớn (khoảng 750 doanh nghiệp), nếu đưa toàn bộ TPDN phát hành riêng lẻ của nhóm này lên sàn chứng khoán thì sẽ rất khó khăn cho việc quản lý, điều hành. Chưa kể rằng TPDN có đủ loại kỳ hạn, lợi suất, đồng tiền phát hành… vì vậy việc giám sát, xử lý sẽ rất khó khăn, đặc biệt là tình trạng nghẽn mạng có thể xảy ra nếu số lượng TPDN được niêm yết và giao dịch với tần suất lớn.

Ở góc độ quản lý, theo Bộ Tài chính, từ cuối tháng 7/2021 vừa qua, Thông tư 57/2021/TT-BTC (về sắp xếp lại thị trường các loại chứng khoán) đã chính thức có hiệu lực. Vì thế mặc dù thừa nhận cần có lộ trình và pháp lý phù hợp để khuôn khổ thị trường TPDN, nhưng trong năm 2022, các văn bản pháp lý sẽ được hoàn thiện để đưa thị trường TPDN thứ cấp lên hoạt động trên sàn Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, trong tháng 10 vừa qua, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về TPDN. Qua kiểm tra đã phát hiện tình trạng các nhà đầu tư “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích mua TPDN riêng lẻ thông qua phân phối của công ty chứng khoán, NHTM nhưng không nắm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Vì thế, để minh bạch thị trường, Bộ Tài chính đã chỉ đạo HNX tập trung nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ tập trung. Tới đây, Bộ Tài chính cũng sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định số 153/2020 theo hướng hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn nhưng không phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh.

Về phía ngân hàng, trong quý III/2021 Bộ Tài chính cũng đã đề nghị NHNN kiểm tra, giám sát hệ thống TCTD trong việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu. Giữa tháng 11 vừa qua NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định cụ thể về hoạt động mua-bán TPDN của hệ thống TCTD. Vì vậy, đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, chậm nhất là cuối tháng 12/2022, HNX sẽ thống nhất tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nợ xấu trên 3% không được mua TPDN

Theo quy định tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN vừa được NHNN ban hành giữa tháng 11, các TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua TPDN. Doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo không có nợ xấu tại các TCTD trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm TCTD mua TPDN.

Cũng theo Thông tư 16/2021/TT-NHNN, các TCTD không được phép mua TPDN trong các trường hợp, bao gồm: mua trái phiếu với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; mua trái phiếu với mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác và mua trái phiếu với mục đích tăng quy mô vốn hoạt động. Ngoài ra, các TCTD cũng không được bán TPDN cho công ty con của chính mình, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán TPDN cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

 

Trích nguồn

 

Thạch Bình