Đáp ứng tốt vốn tín dụng để phục hồi kinh tế

Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Nguồn vốn dồi dào đã tạo điều kiện cho các TCTD đẩy mạnh tín dụng, đáp ứng nhu cầu phục hồi của nền kinh tế thành phố Đà Nẵng.

Đóng góp quan trọng cho phục hồi kinh tế

Cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc phòng chống dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã phục hồi tích cực. Kết quả trong quý I/2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2022 tăng khoảng 0,89% so với cùng kỳ năm 2021; Kim ngạch xuất khẩu lũy kế 3 tháng đạt hơn 495,8 triệu USD, tăng 29,8% so với cùng kỳ 2021. Kim ngạch nhập khẩu 3 tháng ước đạt 327,6 triệu USD, tăng 4,3%… Trong khi đó kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 0,33% so với cùng kỳ 2021. Những kết quả khả quan đó của Đà Nẵng có phần đóng góp quan trọng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn.

Ông Võ Minh – Giám đốc NHNN Đà Nẵng cho biết, đến cuối tháng 3/2022, tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn đạt 161.635 tỷ đồng, tăng 4,96% so với cuối năm 2021 và tăng 12,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiền gửi dân cư; tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 62.236 tỷ đồng, tăng 6,78% so với cuối năm 2021. Trong đó, nguồn vốn từ dân cư được thu hút mạnh vào hệ thống ngân hàng, tăng ròng 3.683 tỷ đồng so với cuối năm 2021 (tương đương tăng 3,85%) lên 99.399 tỷ đồng, mức tăng cao nhất trong 2 năm gần đây.

Nguồn vốn dồi dào đã tạo điều kiện cho các TCTD đẩy mạnh tín dụng, đáp ứng nhu cầu phục hồi của nền kinh tế thành phố. Theo đó tính đến cuối tháng 3/2022, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt 202.314 tỷ đồng, tăng 1,68% so với cuối năm 2021, tăng 9,28% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, dòng vốn được tập trung cho sản xuất kinh doanh, trong khi tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt.

Không chỉ nỗ lực cung ứng vốn với lãi suất thấp, thời gian qua các TCTD trên địa bàn thành phố tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ người dân doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Kết quả đến cuối tháng 3/2022, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 4.369 khách hàng với tổng giá trị nợ là 8.477,6 tỷ đồng; lũy kế tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ từ 23/01/2020 đến 31/03/2022 là 20.203,06 tỷ đồng với 9.040 khách hàng. Cùng đó, các TCTD đã miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ từ 23/1/2020 đến 31/3/2022 là hơn 3.815,48 tỷ đồng, với số lãi 20,44 tỷ đồng cho 834 khách hàng.

Về thực hiện cho vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng triển khai từ 31/8/2021 đến 31/3/2022 đã giải ngân cho vay 98 lượt doanh nghiệp với tổng số tiền 45,677 tỷ đồng, số lượt người lao động được trả lương 11.899 lao động.

Để nâng cao hiệu quả dòng vốn ngân hàng

Để kịp thời triển khai các giải pháp của ngành Ngân hàng trong thời gian tới, ngày 28/4/2022, NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng tổ chức sơ kết hoạt động ngành Ngân hàng Đà Nẵng quý I/2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2022. Tại đây, nhiều ý kiến của đại diện các TCTD cho rằng, cần tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Đơn cử, đại diện KienLongBank chi nhánh Đà Nẵng cho hay, đơn vị gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo. Do đó, kiến nghị cơ quan thi hành án cần tích cực vào cuộc để thi hành án những hồ sơ đã có bản án trong việc xử lý tài sản đảm bảo khoản vay của khách hàng. Qua đó, tạo điều kiện cho ngân hàng thu nợ…

Về vấn đề gia hạn nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đại diện các TCTD cho rằng, việc gia hạn nợ vừa giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, có điều kiện khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm áp lực cho ngân hàng trong vấn đề nợ quá hạn. Tuy nhiên, việc NHNN cho phép các TCTD kéo dài thời gian thực hiện chính sách này cần tập trung vào những khách hàng thực sự cần thiết, ngành sản xuất kinh doanh thiết yếu… còn những nhóm khách hàng, ngành nào cần kết thúc sớm hơn nên kết thúc… để giảm áp lực thu hồi vốn vay cho các TCTD, tránh rủi ro về phát sinh nợ xấu trong tương lai.

Ông Võ Minh cho rằng, thời gian tới, các TCTD tiếp tục tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; Xem xét tăng trưởng tín dụng phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hiệu quả sử dụng vốn, tăng cường kiểm soát sau cho vay. Tăng cường kiểm soát tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu đảm bảo ở mức an toàn (dưới 3%); hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ, tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu DN… kiểm soát ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng và các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng để phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh…

 

Trích nguồn

 

Công Thái