Cao điểm chống hàng lậu, hàng giả dịp cuối năm
Muôn hình vạn trạng hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng giả
Chia sẻ tại buổi tọa đàm về phòng chống hàng lậu, hàng giả vừa được Tạp chí Hải quan tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Ổn – Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan cho biết, vấn nạn buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả đang diễn ra rộng khắp các tuyến cửa khẩu đường bộ, đường biển, sân bay quốc tế. Thực tế này làm cho ngành Hải quan nói chung, Cục Điều tra chống buôn lậu nói riêng ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong công tác đấu tranh chống buôn lậu (CBL), hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT).
Ông Nguyễn Văn Ổn thông tin, tại các địa bàn tỉnh biên giới, đối tượng sử dụng xe ô tô, xe máy, xuồng cao tốc hoặc mang vác, vận chuyển hàng lậu, trái phép qua biên giới. Thời gian vận chuyển thường vào ban đêm. Trước khi vận chuyển, đối tượng thường cắt cử người canh đường, theo dõi lực lượng chức năng, khi bị truy đuổi thì vứt bỏ lại phương tiện, tang vật chạy trốn. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường thuê người, phương tiện để vận chuyển hàng hóa cũng gây khó khăn trong công tác mở rộng phạm vi điều tra.
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Thế Dương |
Trong khi đó, một số đối tượng đặt sản xuất hàng giả, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập về tiêu thụ trong nước; tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng; các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng. ‘‘Ngoài ra, một số đối tượng còn lợi dụng chính sách quản lý rủi ro của ngành Hải quan để không khai báo, khai báo không đúng với hàng hóa thực nhập để trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện. Mặc dù nhiều vụ việc vi phạm đã được các lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng đối tượng, mang tính răn đe cao, nhưng hàng lậu, hàng giả hiện nay đang là một vấn nạn nhức nhối trên toàn thế giới, không riêng gì tại Việt Nam’’ – ông Ổn nói.
Tăng cường phối hợp và tuyên truyền ý thức phòng chống
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, tính đến ngày 15/10/2022, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng số 13.720 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 4.790 tỷ đồng, với số thu nộp ngân sách nhà nước đạt 266 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ… ‘‘Hoạt động buôn lậu, hàng giả phức tạp đã ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, thất thu thuế của Nhà nước; thương hiệu, lợi ích của nhiều DN và quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm. Do đó, với vai trò là thành viên cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), Tổng cục Hải quan đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp và trình ban hành kế hoạch CBL, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; đồng thời chỉ đạo toàn ngành Hải quan tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, trọng tâm vào các mặt hàng cấm, có giá trị lớn, thuế suất cao…’’ – ông Thọ nhấn mạnh.
Ngân sách tăng thu 7.666 tỷ đồng từ chống hàng lậu, hàng giả Ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, chỉ trong 9 tháng năm nay, các lực lượng chức năng 389 cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 97 nghìn vụ việc vi phạm. Trong đó, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu có 12.275 vụ; gian lận thương mại, gian lận thuế 82.678 vụ; hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ 1.866 vụ; số thu nộp ngân sách nhà nước 7.666 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ quan chức năng đã khởi tố 380 vụ và 472 đối tượng, giảm lần lượt 76,5% và 78% so với cùng kỳ năm 2021. |
Để giảm thiểu và hạn chế những tác động tiêu cực trên, theo Luật gia Phan Thị Việt Thu – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh, việc hoàn thiện quy định pháp luật là điều kiện hàng đầu, bởi phải rà soát, chỉnh sửa, thay đổi, bổ sung thì mới phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, tăng cường công tác khảo sát thị trường nhằm phát hiện, ngăn ngừa hàng giả thâm nhập hệ thống phân phối; có sự phối kết chặt chẽ với quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế để thông tin kịp thời về hàng giả trên thị trường nhằm tìm kiếm hỗ trợ về mặt pháp lý, xử lý hàng giả một cách tích cực, triệt để, không vì giá trị nhỏ mà bỏ qua.
Bà Thu khuyến nghị, người tiêu dùng nên mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, để có thể tự bảo vệ mình khi sử dụng. Không nên vì vấn đề tâm lý, sĩ diện, với suy nghĩ phải dùng hàng hiệu, nhưng lại không đủ điều kiện kinh tế nên chấp nhận mua hàng giả.
“Đối với doanh nghiệp, việc hợp tác chống hàng giả, hàng lậu không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi, vì đó cũng nhằm bảo vệ thương hiệu và sự nghiệp kinh doanh. Doanh nghiệp phải mạnh dạn, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng để tận dụng các biện pháp chế tài đối với hàng giả, kịp thời đưa ra những hình thức khuyến thưởng dành cho người tiêu dùng phát hiện hàng giả… Đồng thời, dự liệu các chương trình thay đổi mẫu mã sản phẩm và thông báo, hướng dẫn để người tiêu dùng nắm bắt, định kỳ tổ chức rà soát để phát hiện hàng giả…”- Luật gia Phan Thị Việt Thu nhấn mạnh.
Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm Để đẩy mạnh công tác chống buôn lậu (CBL), hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã ký ban hành Kế hoạch 92/KH-BCĐ389 ngày 13/9/2022 tăng cường công tác CBL, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa, ổn định trật tự, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội đất nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp làm ăn chính đáng và người tiêu dùng; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác CBL, GLTM và hàng giả trong tình hình mới. Trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ban hành Kế hoạch cao điểm CBL, GLTM và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; Kế hoạch số 111/KH-BCĐ389 tăng cường công tác CBL, GLTM, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế. Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đã giao các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác CBL, GLTM và hàng giả trong lĩnh vực, địa phương được phân công nhiệm vụ, phối kết hợp tốt trong công tác này để đẩy lùi hoạt động buôn lậu, GLTM trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Thọ – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, với vai trò là thành viên cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Hải quan đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp và trình ban hành kế hoạch CBL, GLTM, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa; đồng thời chỉ đạo toàn ngành Hải quan tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, trọng tâm vào các mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao… Đặc biệt là cao điểm CBL, GLTM và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. |
Theo: thoibaotaichinhvietnam.vn