Người tiêu dùng lấy hóa đơn: Cách tốt nhất để được pháp luật bảo vệ quyền lợi
Tạo thói quen tiêu dùng văn minh
Chương trình “hóa đơn may mắn” do Cục Thuế TP. Hà Nội thực hiện cho người tiêu dùng là cá nhân, hộ kinh doanh có lấy hóa đơn với đầy đủ thông tin định danh (mã số thuế/CCCD/CMND/hộ chiếu) khi mua hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn TP. Hà Nội đã gây sự chú ý của đông đảo người dân Thủ đô. Tại sự kiện bấm nút lựa chọn hóa đơn may mắn để trao giải mới đây, ông Nguyễn Anh Dũng – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, chương trình không chỉ khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, mà còn tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh và qua đó bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng.
Theo ông Dũng, ý nghĩa của việc triển khai chương trình “hóa đơn may mắn” không chỉ là cách làm hay, thiết thực nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua hàng lấy hóa đơn, mà còn phù hợp với chủ trương của ngành Thuế trong việc đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế, thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý thuế số 38 về việc bán hàng hóa, dịch vụ phải lập hóa đơn.
Hội đồng giám sát thực hiện giám sát việc bấm nút chọn số trúng thưởng. Ảnh: Mai Lan |
“Theo quy định tại Điều 90 Luật Quản lý thuế năm 2019 thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử (HĐĐT) để giao cho người mua. Tuy nhiên thực tế chỉ một số trường hợp cần phải có hóa đơn để hạch toán chi phí, vận chuyển hàng hóa trên đường thì người mua mới lấy hóa đơn. Còn lại, trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng như: trung tâm thương mại, siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống, nhà hàng, khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi giải trí và các dịch vụ khác thì tình trạng người tiêu dùng không lấy hóa đơn là phổ biến” – ông Dũng chia sẻ.
Đại diện Cục Thuế TP. Hà Nội cho rằng, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt, không thanh toán qua ngân hàng, người mua hàng không lấy hóa đơn khiến cho việc quản lý doanh thu của người bán là rất khó khăn. “Việc người mua không lấy hóa đơn không những tạo điều kiện cho người bán lợi dụng trốn thuế, còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người mua hàng khi xảy ra tranh chấp, hậu mãi, chứng minh tiêu dùng hợp pháp” – ông Dũng chia sẻ.
Khách quan, minh bạch trong chọn số trúng thưởng
Để lựa chọn những hóa đơn may mắn trao giải, Cục Thuế TP. Hà Nội sử dụng phần mềm của Tổng cục Thuế để rà soát dữ liệu đã ghi nhận trên hệ thống HĐĐT. Hóa đơn được tham gia chương trình “hóa đơn may mắn” phải là HĐĐT có mã của cơ quan thuế (bao gồm cả HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền) có người bán là tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn TP. Hà Nội, có người mua là cá nhân, hộ kinh doanh.
“Các hóa đơn phải có đầy đủ thông tin định danh của người mua hàng hóa, dịch vụ như: tên, số điện thoại, MST/CCCD/CMND/hộ chiếu. Các hóa đơn đã hủy, hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn thay thế, hóa đơn có thông tin mã số thuế người bán và người mua trùng nhau sẽ bị loại. Trên cơ sở các HĐĐT hợp lệ, ban tổ chức sử dụng phần mềm của Tổng cục Thuế để lựa chọn ngẫu nhiên các hóa đơn may mắn theo từng giải, dưới sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng giám sát” – ông Dũng nói.
19 hóa đơn may mắn trúng thưởng quý II/2022 Sáng ngày 25/10/2022, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tổ chức chương trình lựa chọn “hóa đơn may mắn quý II/2022”. Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng với Hội đồng giám sát đã thực hiện bấm nút chọn ra 19 hóa đơn may mắn quý II/2022 trên phần mềm hóa đơn may mắn. Giải Nhất quý II/2022 (trị giá 50 triệu đồng) may mắn thuộc về người mua hàng Nguyễn Văn Tuấn, mã số thuế 8242599789, hóa đơn lập ngày 19/6/2022. Cùng với đó là 3 giải Nhì (trị giá 20 triệu đồng mỗi giải); 5 giải Ba (trị giá 10 triệu đồng mỗi giải) và 10 giải Khuyến khích (trị giá 3 triệu đồng mỗi giải) cũng đã tìm ra được chủ nhân may mắn. |
Sau khi lựa chọn được hóa đơn may mắn để trao giải, biên bản xác nhận kết quả hóa đơn trúng thưởng sẽ được lập tự động từ phần mềm “hóa đơn may mắn”, Hội đồng giám sát có trách nhiệm ký biên bản xác nhận kết quả, xác nhận về tính khách quan, trung thực và tuân thủ đúng trình tự lựa chọn hóa đơn may mắn” – ông Dũng chia sẻ.
Ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giám sát cho biết, việc tổ chức chương trình hóa đơn may mắn góp phần thúc đẩy người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ, tạo sự minh bạch trong sản xuất kinh doanh của các thương nhân, tránh thất thu ngân sách nhà nước. “Việc lựa chọn hóa đơn may mắn được Cục Thuế TP. Hà Nội chọn ngẫu nhiên, thực hiện trên phần mềm hóa đơn may mắn, dưới sự chứng kiến của Hội đồng giám sát, do đó đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng” – ông Hiệp nói.
Về cách thức lựa chọn hóa đơn may mắn, đại diện ban tổ chức cho biết, theo quy định, mỗi hóa đơn hợp lệ sẽ được đưa vào lựa chọn ngẫu nhiên trên hệ thống 1 lần duy nhất. Thời hạn nhận thưởng là trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả Chương trình “hóa đơn may mắn” của từng đợt. Nếu quá thời hạn này kết quả lựa chọn hóa đơn may mắn không còn giá trị nhận thưởng. Chương trình “hóa đơn may mắn” được tổ chức định kỳ theo quý với cơ cấu giải thưởng lên đến 190.000.000 đồng/quý. Do đó, để có cơ hội trúng thưởng, Cục Thuế TP. Hà Nội khuyến khích người tiêu dùng khi mua, bán hàng hóa, dịch vụ lấy hóa đơn.
Người bán, người mua và cơ quan thuế đều hưởng lợi Với mục tiêu khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, Chương trình “hóa đơn may mắn” được tổ chức sẽ đem lại nhiều lợi ích đối với cả người mua hàng và người bán hàng. Cụ thể: Đối với người mua hàng: Việc yêu cầu người bán lập hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ theo đúng quy định pháp luật, người mua hàng sẽ có cơ hội trúng những giải thưởng giá trị. Mặt khác, khi người mua và người bán sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế góp phần thúc đẩy người bán chấp hành tốt chính sách pháp luật về thuế. Bên cạnh đó, quyền lợi của người mua hàng được pháp luật bảo vệ trong giao dịch thương mại như bảo hành sản phẩm, dịch vụ hậu mãi, tranh chấp, khiếu kiện về chất lượng hàng hóa… Đối với người bán hàng: Người mua hàng may mắn nhận được giải thưởng của chương trình thì doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh lập hóa đơn đó cũng có cơ hội được giới thiệu, quảng bá hình ảnh, từ đó sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn, góp phần làm tăng doanh thu bán hàng. Đồng thời, chương trình khuyến khích người bán hàng hóa, dịch vụ sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế. Đối với ngành Thuế: Việc tổ chức chương trình “hóa đơn may mắn” với HĐĐT là một cấu phần quan trọng trong đề án lớn nhằm tập trung cơ sở dữ liệu lớn (big data) về HĐĐT đưa về cơ quan thuế để phục vụ cho công tác quản lý thuế. Có thể nói, mục tiêu lớn nhất của HĐĐT là kiểm soát chi phí, chống gian lận về hóa đơn. Đối với xã hội: Khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ để tránh thất thu ngân sách nhà nước và góp phần nâng cao công tác hiện đại hóa, số hóa quản lý thuế của ngành Thuế; tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch của toàn xã hội. Cục Thuế TP. Hà Nội luôn đồng hành, đảm bảo quyền lợi của người mua, trong trường hợp người mua hàng hóa, dịch vụ gặp khó khăn trong việc lấy hóa đơn, người bán từ chối cung cấp hóa đơn, người mua có thể phản ánh qua 2 kênh tiếp nhận thông tin của cục thuế: Kênh tiếp nhận qua số điện thoại hotline: 0243.7733.520. Kênh tiếp nhận thông tin qua link google form: https://forms.gle/Xz51rKaQ68d2KBLo9 |
Nguồn: thoivaotaichinhvietnam.vn