03 điều lưu ý về NĐT nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại Việt Nam
1. Các hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
Tại điều 25 Luật Đầu tư 2020, có quy định các hình thức nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại Việt Nam như sau:
Đối với việc góp vốn vào tổ chức kinh tế thì gồm các hình thức sau:
– Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
– Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
– Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc các trường hợp trên.
Đối với việc mua cổ phần, phần vốn góp thì gồm các hình thức sau:
– Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
– Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
– Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
– Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc các trường hợp trên.
2. Các trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Theo điều 26 Luật Đầu tư 2020, khi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thuộc các trường hợp sau thì phải thực hiện thủ tục đăng ký:
– Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài (Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Phần B Phụ lục I Nghị định 31/2021/NĐ-CP)
– Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
– Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
3. Thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
Hồ sơ cần chuẩn bị:
Theo quy định tại Điều 66 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì cần chuẩn bị những hồ sơ sau:
– Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp;
– Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
– Văn bản thỏa thuận nguyên tắc về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp hoặc giữa nhà đầu tư nước ngoài với cổ đông hoặc thành viên của tổ chức kinh tế đó;
– Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (đối với trường hợp tổ chức kinh tế đó có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh)
Nơi nộp hồ sơ: Cơ quan đăng ký đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính
Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Cơ sở pháp lý:
Theo https://thuvienphapluat.vn/
Các thông tin khác
- THÀNH LẬP CÔNG TY – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VÀ LƯU Ý 9 Tháng Mười, 2024
- Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp 4 Tháng Sáu, 2024
- Chủ tịch công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên 4 Tháng Sáu, 2024
- Hợp đồng được ký trước khi thành lập doanh nghiệp 29 Tháng Năm, 2024
- Cách đặt tên công ty không bị trùng, hay và chuẩn Luật 29 Tháng Năm, 2024