Các vấn đề về việc làm, tiền lương luôn được người lao động đặc biệt quan tâm. Bước sang tháng 7/2022, những chính sách mới nào về lao động – tiền lương sẽ được đưa vào áp dụng?
1. Chính thức tăng lương tối thiểu vùng từ 01/07/2022
Sau 02 năm không tăng lương tối thiểu vùng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuối cùng Chính phủ cũng đã quyết định tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động trên cả nước.
Cụ thể tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu vùng mới được quy định như sau:
Doanh nghiệp thuộc vùng | Mức lương tối thiểu tháng | Mức lương tối thiểu giờ |
Vùng I | 4.680.000 đồng/tháng | 22.500 đồng/giờ |
Vùng II | 4.160.000 đồng/tháng | 20.000 đồng/giờ |
Vùng III | 3.640.000 đồng/tháng | 17.500 đồng/giờ |
Vùng IV | 3.250.000 đồng/tháng | 15.600 đồng/giờ |
Nhờ có việc tăng lương tối vùng mà tiền lương ngừng việc, tiền lương tối thiểu khi điều chuyển công việc, tiền trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động cũng tăng theo.
Ngoài việc quy định tăng mức lương tối thiểu vùng theo tháng, Nghị định 38 cũng đã quy định cụ thể mức lương tối thiểu vùng theo giờ. Đây là cơ sở để bảo vệ quyền lợi về tiền lương cho những người lao động đang làm các công việc bán thời gian.
2. Điều chỉnh quy định về báo cáo tình hình thay đổi lao động định kì
Ngày 25/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến báo cáo định kỳ tình hình thay đổi lao động tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Theo đó việc báo cáo tình hình thay đổi lao động vẫn được doanh nghiệp thực hiện định kỳ 06 tháng và hằng năm, gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Nhưng Nghị định 35 còn bổ sung thêm quy định đối với việc báo cáo tình hình thay đổi lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Cụ thể khoản 1 Điều 73 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định, đối với người sử dụng lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế thì người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến 03 cơ quan sau:
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Cơ quan BHXH cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
– Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để theo dõi.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/7/2022.
3. Chính sách hỗ trợ người lao động huyện nghèo đi xuất khẩu lao động
Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 09/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo đó, người lao động tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ như sau:
– Người dân tộc thiểu số, người Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; người thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài:
+ Đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề.
+ Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ: Tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học.
+ Hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo: 50.000 đồng/người/ngày.
+ Hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo: 400.000 đồng/người/tháng.
+ Hỗ trợ tiền quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép…: 600.000 đồng/người.
+ Chi phí làm hộ chiếu, làm phiếu lý lịch tư pháp, làm thị thực, khám sức khỏe…
– Người dân tộc Kinh thuộc hộ cận nghèo đang sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ:
+ Tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề.
+ Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế, tối đa bằng 70% và hỗ trợ các chi phí khác theo mức hỗ trợ với người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo.
Trên đây là những chính sách mới về lao động tiền lương có hiệu lực tháng 7/2022.
Trích nguồn
Tác giả: Bình Thảo
Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh