Công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ là cơ chế cho phép nhà cung cấp dịch vụ của quốc gia này có đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ tại quốc gia khác, qua đó góp phần tạo ra sự tự do di chuyển lao động, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động quốc gia, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Bài viết phân tích làm rõ cơ chế công nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán của ASEAN và thực tiễn thực hiện tại Việt Nam.
Công nhận lẫn nhau trong ASEAN về dịch vụ kế toán, kiểm toán và cơ chế thực hiện tại Việt Nam (Ảnh minh họa)
Khái niệm về công nhận lẫn nhau
Cùng với hoạt động tự do hóa thương mại dịch vụ, các quốc gia luôn có nhu cầu hợp tác để tạo ra một cơ chế phù hợp cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể tiếp cận được với thị trường dịch vụ của quốc gia mình, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ngành nghề có điều kiện, chịu sự quản lý của nhà nước. Công nhận lẫn nhau là cơ chế được các quốc gia trên thế giới cũng như ASEAN xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu này. Công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ được hiểu là hoạt động của quốc gia này công nhận các điều kiện để được cung cấp một dịch vụ nhất định theo quy định của quốc gia khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của quốc gia được công nhận tiếp cận với thị trường dịch vụ của quốc gia công nhận.
Các quốc gia thường thực hiện các hoạt động công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ thông qua việc ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Agreement – MRA) dưới hình thức song phương hoặc đa phương(1). Các MRA thường chứa đựng những điều khoản hỗ trợ cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể tiếp cận thị trường, giảm bớt thời gian, chi phí cần thiết để có được sự phê chuẩn cho các sản phẩm dịch vụ hoặc chứng nhận đủ trình độ chuyên môn cho các nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện cung cấp dịch vụ tại các quốc gia ký kết thoả thuận(2). Các MRA sẽ thiết lập những điều khoản về yêu cầu, thủ tục xác minh các điều kiện được phép hành nghề có tính tương đương tại các nước tham gia ký kết để bảo đảm rằng những dịch vụ được cung cấp cho người tiêu dùng sẽ đáp ứng các điều kiện tối thiểu về chất lượng dịch vụ cung cấp tại quốc gia tiếp nhận dịch vụ.
Việc ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong các ngành nghề cung cấp dịch vụ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia. Có thể thấy được vai trò của công nhận lẫn nhau trong thương mại dịch vụ ở các điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, giúp thúc đẩy hoạt động tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các quốc gia. Các thỏa thuận công nhận lẫn nhau cho phép các văn bằng, chứng chỉ của những nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền nước sở tại của họ cũng được công nhận tại các quốc gia thành viên khác. Điều này sẽ góp phần cắt giảm chi phí, thời gian, công sức của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài và của cả cơ quan quản lý ngành nghề của quốc gia tiếp nhận dịch vụ.
Thứ hai, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và chất lượng nhà cung cấp dịch vụ tại các quốc gia tham gia ký kết. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài thường lựa chọn giải pháp hợp tác với các công ty trong nước hoặc các chuyên viên trong nước trong bước đầu phát triển công ty của mình tại một thị trường mới và chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, việc ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau có thể góp phần thiếp lập các hình thức hợp tác chặt chẽ giữa những chuyên viên đến từ các nước đối tác. Điều này mang lại lợi ích rất lớn cho các quốc gia thực hiện ký kết các MRA, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi, nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia phát triển.
Thứ ba, các thỏa thuận công nhận lẫn nhau có thể được sử dụng như một công cụ hữu ích để giải quyết sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong thị trường cung cấp dịch vụ nội địa, đồng thời tăng cường sự cạnh tranh và đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở những thị trường đã trở nên bão hòa và trì trệ. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài thông qua ký kết các MRA sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng tốt, bổ sung cho các quốc gia đang thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp trong nước thông qua việc tuyển dụng nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp từ các quốc gia khác.
Công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán trong ASEAN
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và chất lượng lao động có kỹ năng nghề nói riêng mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, đặc biệt trong nền kinh tế tri thức hiện nay. ASEAN cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo đà cho sự phát triển của toàn khối, ASEAN chủ trương hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ năng, năng lực giữa các quốc gia thành viên, tiến tới công nhận lẫn nhau về trình độ, chứng chỉ, văn bằng, kinh nghiệm… nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề, tạo thuận lợi cho việc tự do di chuyển lao động khu vực.
Thỏa thuận công nhận lẫn nhau là công cụ chính để di chuyển lao động trong khuôn khổ AEC. Những thỏa thuận này giúp những người có bằng cấp, chứng chỉ, kỹ năng, kinh nghiệm… phù hợp tại một quốc gia thành viên được công nhận tại các quốc gia thành viên khác trong khu vực ASEAN, từ đó tạo điều kiện để họ có thể làm việc tại các quốc gia này. Đến nay, đã có thỏa thuận trong 8 lĩnh vực nghề được ký kết trong ASEAN, bao gồm: dịch vụ kỹ thuật (12/2005); dịch vụ điều dưỡng (12/2006); dịch vụ kiến trúc, dịch vụ khảo sát (11/2007); y khoa, nha khoa và dịch vụ kế toán, kiểm toán (02/2009); du lịch (11/2012). ASEAN hiện nay cho phép tự do di chuyển đối với lao động lành nghề, chứ chưa cho phép tự do di chuyển đối với tất cả các loại hình lao động như Liên minh châu Âu (EU) bởi những khác biệt quá lớn về sự phát triển kinh tế, thu nhập, quy mô dân số, diện tích… của các quốc gia thành viên.
MRA đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán hình thành từ tháng 02/2009 và sau đó được sửa đổi và ký chính thức vào ngày 13/11/2014 tại Nay Pyi Taw, Myanmar(3). MRA trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán được xây dựng nhằm:
– Thúc đẩy chất lượng và hiệu quả của các tiêu chuẩn nghề kế toán, kiểm toán trong ASEAN;
– Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán giữa các quốc gia thành viên ASEAN;
– Tôn trọng và tuân thủ pháp luật của các quốc gia thành viên ASEAN trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu của nghề kế toán, kiểm toán trong từng quốc gia thành viên ASEAN;
– Bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng và có đi có lại trong quá trình xây dựng và thực thi MRA(4).
Dịch vụ kế toán, kiểm toán thuộc phạm vi điều chỉnh của MRA là các dịch vụ được đề cập đến trong Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm (CPC) của Liên hợp quốc cũng như các dịch vụ khác liên quan nếu được đồng thuận giữa các quốc gia thành viên ASEAN qua đàm phán song phương hoặc đa phương(5). MRA này cũng quy định loại trừ việc áp dụng đối với dịch vụ ký báo cáo kiểm toán độc lập và các dịch vụ yêu cầu cấp phép ở các quốc gia thành viên ASEAN. Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm được MRA đề cập là một hệ thống phân loại sản phẩm hoàn chỉnh của Liên hợp quốc, bao gồm tất cả hàng hóa và dịch vụ.
Hệ thống này như một tiêu chuẩn quốc tế để tổng hợp và thống kê tất cả các loại dữ liệu về chi tiết sản phẩm, bao gồm số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, thương mại hàng hóa trong và ngoài nước, thương mại dịch vụ quốc tế, cán cân thanh toán, tiêu dùng, thống kê giá cả và các dữ liệu khác. Nó cung cấp một khuôn khổ để so sánh quốc tế và thúc đẩy sự hài hòa của các loại thống kê khác nhau liên quan đến hàng hóa và dịch vụ. Dịch vụ kế toán, kiểm toán được đề cập trong MRA này thuộc nhóm 862 (dịch vụ kế toán, kiểm toán và sổ sách kế toán) của Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời Liên hợp quốc, được xuất bản vào năm 1991. Hiện nay đã có phiên bản CPC 2.1 được phát hành vào năm 2015.
ASEAN cũng đã thành lập Ủy ban Điều phối kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp ASEAN để thực hiện MRA này. Mỗi nước ASEAN cũng thành lập một Ủy ban giám sát về dịch vụ kế toán tại nước mình để thực hiện quy trình đánh giá và đăng ký cấp phép kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp đủ điều kiện theo ASEAN.
Kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp thuộc đối tượng công nhận lẫn nhau đề cập trong MRA là thể nhân mang quốc tịch một quốc gia thành viên ASEAN có chuyên môn, đạo đức, hợp pháp và được cơ quan quản lý ngành nghề quốc gia thừa nhận, cấp phép đủ điều kiện để hành nghề kế toán chuyên nghiệp độc lập. Quy trình để một kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp tại một quốc gia thành viên đăng ký để được hành nghề tại một quốc gia thành viên khác trong ASEAN được quy định như sau:
+ Bước 1: Kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp đủ điều kiện về trình độ và kinh nghiệm theo quy định trong MRA nộp đơn đăng ký lên Ủy ban giám sát về dịch vụ kế toán, kiểm toán của nước mình để xin cấp chứng nhận kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp đủ điều kiện theo ASEAN (ACPA).
+ Bước 2: Uỷ ban giám sát xem xét đơn đăng ký và lập Bản đánh giá, sau đó gửi lên Ủy ban điều phối kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp ASEAN để quyết định cấp phép hay không cấp phép chứng nhận ACPA.
+ Bước 3: Kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp đã được cấp chứng nhận ACPA sẽ đủ điều kiện để đăng ký với cơ quan có thẩm quyền quản lý ngành nghề kế toán, kiểm toán ở một nước ASEAN khác để được cấp phép là kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký (RFPA) tại nước đó, nhưng phải tuân theo các quy định và pháp luật liên quan của nước đó.
+ Bước 4: Kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp có RFPA được phép hành nghề nhưng phải phối hợp với kế toán, kiểm toán chuyên nghiệp của nước sở tại.
Cơ chế thực hiện tại Việt Nam
Trên cơ sở Thỏa thuận công nhận lẫn nhau đối với dịch vụ kế toán, kiểm toán năm 2014, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1529/QĐ-BTC ngày 09/8/2021 về Quy chế đánh giá đối với kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN. Quyết định số 1529/QĐ-BTC cùng với Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Kế toán đã tạo ra khung khổ pháp lý thuận lợi cho việc di chuyển của các chuyên gia cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán giữa các nước thành viên ASEAN. Quy chế đánh giá đối với kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN được xây dựng dựa trên các cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán ASEAN. Cụ thể như sau:
Tiêu chuẩn để được công nhận là kế toán, kiểm toán viên ASEAN (ASEAN CPA)
Để một kế toán, kiểm toán viên đang hành nghề tại Việt Nam có thể được công nhận là kế toán, kiểm toán viên đủ tiêu chuẩn ASEAN phải đáp ứng được các điều kiện:
– Có chứng chỉ kế toán, kiểm toán viên Việt Nam;
– Có thời gian công tác thực tế về kế toán, kiểm toán, tài chính ít nhất ba (3) năm trong giai đoạn năm (5) năm liên tục kể từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đại học tới thời điểm nộp đơn đăng ký công nhận là ASEAN CPA. Để chứng minh về thời gian thực tế làm kế toán, kiểm toán, tài chính, kế toán, kiểm toán viên phải có giấy xác nhận thời gian công tác thực tế do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, đơn vị nơi mình đã thực tế làm việc ký xác nhận.
– Tuân thủ và bảo đảm chương trình cập nhật kiến thức (CPD). Mục tiêu của chương trình cập nhật kiến thức là tăng cường nhu cầu học tập lâu dài và cung cấp nền tảng kiến thức, qua đó kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp có thể duy trì và nâng cao trình độ chuyên môn trong việc thực hiện công việc. Mỗi kế toán, kiểm toán viên khi nộp hồ sơ đăng ký công nhận là ASEAN CPA phải bảo đảm các quy định hiện hành về yêu cầu giờ cập nhật kiến thức như áp dụng đối với người đăng ký hành nghề kế toán, kiểm toán tại Việt Nam. Chậm nhất là ngày 31/8 hàng năm, để duy trì chức danh ASEAN CPA thì mỗi ASEAN CPA phải bảo đảm quy định hiện hành về giờ cập nhật kiến thức và nộp báo cáo duy trì chức danh ASEAN CPA hàng năm cho Bộ Tài chính theo quy định.
– Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về chuyên môn và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam và quốc tế. Tất cả các ứng viên đăng ký công nhận là ASEAN CPA và các ASEAN CPA đều phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam và quốc tế; tuân thủ các quy định về đạo đức, hành vi do Việt Nam và các nước khác nơi ASEAN CPA hành nghề đã lập ra và có hiệu lực. ASEAN CPA sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các hoạt động trong quá trình hành nghề kế toán, kiểm toán. Trong quá trình hành nghề kế toán, kiểm toán, ứng viên không được vi phạm nghiêm trọng các quy định về chuyên môn và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán ở Việt Nam hoặc ở nước khác.
Trường hợp cần làm rõ các thông tin trong hồ sơ đăng ký công nhận là ASEAN CPA, Ủy ban giám sát Việt Nam có quyền yêu cầu ứng viên giải trình hoặc cung cấp tài liệu (sổ bảo hiểm xã hội, tài liệu khác) phục vụ cho việc kiểm tra, đối chiếu, xác minh quá trình làm việc và các thông tin khác trong hồ sơ đăng ký công nhận là ASEAN CPA.
Hồ sơ và quy trình đăng ký để được công nhận là ASEAN CPA
Hồ sơ đăng ký công nhận là ASEAN CPA gồm: đơn đăng ký công nhận là kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN; bản sao chứng chỉ kiểm toán viên Việt Nam hoặc bản sao chứng chỉ kế toán viên Việt Nam; giấy xác nhận thời gian công tác thực tế về kế toán, kiểm toán, tài chính; tài liệu chứng minh giờ cập nhật kiến thức; 2 ảnh màu cỡ 3x4cm được chụp trên nền trắng trong thời hạn không quá sáu (6) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký công nhận là ASEAN CPA.
Hồ sơ đăng ký được lập nộp cho Ủy ban giám sát của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN (gọi tắt là Ủy ban giám sát của Việt Nam) do Bộ Tài chính quyết định thành lập. Ủy ban giám sát của Việt Nam thay mặt Ủy ban điều phối kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN tiến hành tiếp nhận hồ sơ và thực hiện quy trình đăng ký theo quy định của Thỏa thuận. Ứng viên sẽ được thông báo bằng văn bản về kết quả chấp thuận của Ủy ban điều phối kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN.
Giấy chứng nhận ASEAN CPA sẽ được ACPACC cấp cho ứng viên có đầy đủ và bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Để tiếp tục được công nhận chức danh ASEAN CPA, ứng viên phải luôn đáp ứng điều kiện của ASEAN CPA, bao gồm cả điều kiện về cập nhật kiến thức theo quy định.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng quy định một ASEAN CPA đến từ một nước thành viên ASEAN khác tham gia Thỏa thuận phải đăng ký với Bộ Tài chính để được làm việc với tư cách là kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký tại Việt Nam. Sau khi được chấp thuận, kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký không được hành nghề độc lập mà phải làm việc trong doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kiểm toán; chi nhánh doanh nghiệp kế toán, kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam hoặc các doanh nghiệp, tổ chức khác có chấp nhận RFPA; không được ký báo cáo kiểm toán, báo cáo về dịch vụ bảo đảm khác và các dịch vụ liên quan (dịch vụ phi bảo đảm) và các dịch vụ kế toán, kiểm toán đòi hỏi phải có giấy phép hành nghề trừ khi người đó đã được cấp giấy phép hành nghề bởi Bộ Tài chính Việt Nam theo quy định của Luật Kế toán hoặc Luật Kiểm toán độc lập. Bộ Tài chính Việt Nam sẽ giám sát và đánh giá hoạt động thực tiễn chuyên môn của kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp nước ngoài có đăng ký để bảo đảm tuân thủ Thỏa thuận. Bộ Tài chính Việt Nam trong phạm vi quyền hạn của mình cũng có thể ban hành những quy định không đi ngược lại hoặc làm thay đổi bất cứ điều khoản nào của Thỏa thuận nhằm mục tiêu duy trì các tiêu chuẩn cao về hành nghề và đạo đức trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Đây cũng là những quy định phù hợp với Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán ASEAN mà Việt Nam là thành viên(6).
(1) Các quốc gia hoàn toàn có thể thực hiện hành vi đơn phương công nhận các bằng cấp, chứng chỉ hành nghề,… của quốc gia khác. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến vấn đề công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia.
(2) Shintaro Hamanaka and Sufian Jusoh, The Emerging ASEAN Approach to Mutual Recognition: A Comparison with Europe, Trans-Tasman, and North America, IDE Discussion Paper, No.618,
http://www.ide.go.jp/English/Publish/Download/Dp/pdf/618.pdf, 20/5/2019.
(3) Nguồn: https://aecvcci.vn/tin-tuc-n1637/hiep-dinh-asean-ve-di-chuyen-the-nhan-va-cac-thoa-thuan-thua-nhan-lan-nhau-mnp.htm, 21/01/2022.
(4) Xem: Điều 1 MRA về dịch vụ kế toán, kiểm toán.
https://aecvcci.vn/Uploaded/Users/Admin/files/2018/11/ASEAN%20Mutual%20Recognition%20Arrangement%20Framework%20on%20Accountancy%20Services.pdf, 23/01/2022.
(5) Xem: Điều 2 MRA về dịch vụ kế toán, kiểm toán.
https://aecvcci.vn/Uploaded/Users/Admin/files/2018/11/ASEAN%20Mutual%20Recognition%20Arrangement%20Framework%20on%20Accountancy%20Services.pdf, 23/01/2022.
(6) Điều 8 Quyết định số 1529/QĐ-BTC về Ban hành quy chế đánh giá đối với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN.
Tiến sĩ VŨ NGỌC DƯƠNG
Khoa Pháp luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội