Nghiên cứu giảm thuế VAT – Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu

Nghiên cứu giảm thuế VAT - Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu

Nghiên cứu giảm thuế VAT – Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 280/TB-VPCP ngày 07/9/2022 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 24/8/2022.

Nghiên cứu giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu

Tại Thông báo 280/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đặt ra một số phương án chỉ đạo liên quan đến điều hành giá đối với mặt hàng xăng dầu, cụ thể như sau:

– Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; 

Chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. 

– Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.

Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tăng giá bất hợp lý

Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistic, Phó Thủ tướng nêu rõ:

– Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan:

+ Tăng cường chỉ đạo, đề nghị, tuyên truyền đơn vị kinh doanh vận tải, cơ quan chuyên môn rà soát chặt chẽ mức giá kê khai, đảm bảo mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá, đặc biệt là yếu tố xăng dầu; 

Trường hợp yếu tố xăng dầu giảm, tác động làm giảm giá cước thì yêu cầu kê khai giảm giá cước;

+ Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về kê khai giá, niêm yết giá…xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, kê khai giá cước không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá; 

+ Thường xuyên cập nhật, tổng hợp báo cáo và tăng cường tuyên truyền, công khai thông tin về tình hình giá cước vận tải tại địa phương và cả nước.

Không để xảy ra trường hợp găm hàng, giữ hàng, đẩy giá tăng cao bất hợp lý

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: 

– Các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; 

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. 

Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định. Trong đó:

+ Đối với vật liệu xây dựng: Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục phối hợp quản lý hiệu quả nguồn cung, cập nhật biến động giá để kịp thời công bố giá vật liệu xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, giữ hàng, đẩy giá tăng cao bất hợp lý, không làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

+ Đối với giá lương thực, thực phẩm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.

+ Đối với mặt hàng thịt lợn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; 

Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; 

Đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

+ Đối với phân bón và thức ăn chăn nuôi: Bộ Công Thương và các Bộ ngành phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường và dành tối đa lượng phân bón sản xuất ra để phục vụ nhu cầu trong nước; 

Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ tăng cường sản xuất để thay thế phân bón vô cơ; 

Rà soát, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh nhằm cung ứng ra thị trường với giá hợp lý. 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với thức ăn chăn nuôi.

+ Đối với thuốc, vật tư y tế, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Bộ Y tế báo cáo Chính phủ triển khai các quy định tại Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15Nghị định 98/2021/NĐ-CP về việc bình ổn giá đối với trang thiết bị y tế; 

Tăng cường rà soát giá thuốc, vật tư y tế kê khai theo quy định tại Luật Dược;

Theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc và vật tư y tế với giá hợp lý phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. 

Rà soát hoàn thiện quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, chuẩn bị các điều kiện cho phép, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời điểm điều hành phù hợp.

+ Đối với các dịch vụ lưu trú, du lịch: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, niêm yết giá theo đúng quy định. 

Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng các dịp cao điểm, diễn biến giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý.

Xem chi tiết tại Thông báo 280/TB-VPCP ngày 07/9/2022.

 Theo thuvienphapluat.vn