Kho bạc Nhà nước Bình Dương: Giải ngân nhanh vốn đầu tư công, không xem nhẹ hậu kiểm
Đến ngày 20/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Bình Dương thực hiện được 3.856,9 tỷ đồng, đạt 30,2% kế hoạch vốn năm 2022 (12.768,1 tỷ đồng), trong đó vốn ngân sách địa phương 3.727,9 tỷ đồng, đạt 30% (12.644,7 tỷ đồng).
Theo đó, đến nay, vẫn còn 15 đơn vị chưa giải ngân, gồm: Liên đoàn Lao động tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Sở Xây dựng, Văn phòng Tỉnh ủy, Ban quản lý rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ, Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc Bình Dương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng Việt Nam – Singapore, Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Thông tin – Truyền thông.
TP. Thuận An, TP. Dĩ An và huyện Phú Giáo là 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh. Đa số các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đều “đổ lỗi” do gần đây giá nguyên vật liệu tăng cao, thi công cầm chừng, chờ được điều chỉnh đơn giá…
Một số dự án còn chậm trong công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng tiến độ thi công như: Dự án nâng cấp, mở rộng đường từ ngã tư Bình Chuẩn đến ngã ba giao với tuyến đường đài liệt sĩ Tân Phước Khánh; dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh thoát nước khu công nghiệp Bình Hòa – Giai đoạn 2.
Công trình vướng vị trí đấu nối với các dự án qua địa bàn như đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài, đường trục Đông Tây đoạn quốc lộ 1A đến quốc lộ 1K, nâng cấp, mở rộng đường 30-4 ở TP. Dĩ An. Các dự án sử dụng 2 nguồn vốn tỉnh và huyện nhưng địa phương không cân đối được được phần vốn tham gia dự án phải xin điều chỉnh như dự án cải tạo, khai thông suối Vàm Vá ở huyện Phú Giáo. Ngoài ra, một số dự án thực hiện không đúng kế hoạch việc lựa chọn nhà thầu phê duyệt nên chưa thể giải ngân nguồn vốn…
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương khẳng định, bên cạnh nguyên nhân trên, việc giải ngân chậm không đạt tiến độ kế hoạch là do có một số dự án đầu tư kéo dài thời gian từ năm 2021 sang năm 2022 nhưng do chậm giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu còn hạn chế; việc điều hành, chỉ đạo thiếu quyết liệt.
Về phía KBNN, trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Vũ Khắc Anh Việt – Chánh văn phòng KBNN Bình Dương nhận định, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn Bình Dương đạt thấp so với mặt bằng chung cả nước, bên cạnh rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan… còn có nguyên nhân do rất nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án (QLDA) thời gian dài không có khối lượng nghiệm thu gửi đến kho bạc để thanh toán do không đảm bảo thời gian thực hiện dự án.
Cá biệt, một số gói thầu khi triển khai thực hiện không đúng thời gian so với kế hoạch lựa chọn nhà thầu nên khi gửi hồ sơ thanh toán tại kho bạc không thanh toán được.
Đại diện lãnh đạo KBNN Bình Dương cũng thừa nhận, hồ sơ thanh toán khối lượng các dự án các chủ đầu tư thường để dồn vào cuối năm, rất khó cho các đơn vị theo dõi thực hiện. Để khắc phục tình trạng này, KBNN Bình Dương đã có Công văn 681/KBBD-KSC ngày 5/9/2022 báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh về giải pháp tháo gỡ vướng mắc các gói thầu không đảm bảo yêu cầu.
Gần đây nhất ngày 16/9/2022, KBNN Bình Dương đã có báo cáo xin ý kiến về việc xử lý những nhà thầu không thực hiện đúng kế hoạch đề ra nhằm giúp địa phương tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong tình trạng tỷ lệ giải ngân thấp.
Thanh toán trước, kiểm tra sau
Để cải thiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo KBNN Bình Dương hiện đang tăng cường chỉ đạo quyết liệt các đơn vị nghiệp vụ trong toàn hệ thống tập trung kiểm soát thanh toán kịp thời đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.
Các đơn vị trực thuộc KBNN tỉnh, trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công phải tạo thuận lợi cho chủ đầu tư, các dự án, đảm bảo nhanh, gọn nhưng không xem nhẹ khâu hậu kiểm. |
Theo đó, đối với những hồ sơ theo quy định tại Quyết định số 890/QĐ-KBNN ngày 2/3/2022 thực hiện quy trình thanh toán trước, kiểm tra sau, tạo mọi điều kiện cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thanh toán khi có khối lượng nghiệm thu hoàn thành.
KBNN tỉnh Bình Dương yêu cầu hệ thống kho bạc trực thuộc không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào mà không rõ lý do, tập trung đẩy mạnh giao dịch qua chương trình dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại đơn vị, hoàn thành đúng kế hoạch đảm bảo được tiến độ giải ngân trên địa bàn.
Dự án bệnh viện công 1.500 giường lớn nhất tỉnh Bình Dương xây dựng gần 10 năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng. Ảnh: CTV |
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trong các cuộc họp giao ban với các sở, ngành, địa phương đã thẳng thắn phê bình 3 địa phương trên có tỷ lệ giải ngân thấp; đồng thời yêu cầu, các địa phương, sở, ngành cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, chiếm tỷ lệ vốn đầu tư công cao như: Dự án khu tái định cư An Thạnh, các gói thuộc dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 từ Vĩnh Phú (TP. Thuận An) đến Lê Hồng Phong (TP. Thủ Dầu Một)…
Các địa phương cần khẩn trương phối hợp tốt, chặt chẽ làm việc với đơn vị tư vấn Sở Tài nguyên và Môi trường, tổ thẩm định giá của tỉnh nhằm tránh sự sai sót phải điều chỉnh gây mất thời gian ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn cho các dự án. Đồng thời, Chủ tịch tỉnh cho rằng đẩy mạnh tiến độ thực hiện một số dự án chiếm nguồn vốn giải ngân cao như quốc lộ 13, khu tái định cư An Thạnh của TP. Thuận An… sẽ góp phần để tỉnh hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn trong năm 2022, đồng thời có ý nghĩa quan trọng để tỉnh hoàn thành “nhiệm vụ kép” cho dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian tới.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, địa phương cần lựa chọn kỹ lưỡng đơn vị tư vấn, tập trung quyết liệt phối hợp tốt hơn cùng các sở, ngành trong công tác thẩm định giá, áp giá đền bù giải phóng mặt bằng đảm bảo rút ngắn thời gian, đúng các quy trình, thủ tục, các quy định pháp luật liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn..; đồng thời, phải nhìn thẳng vào nguyên nhân chủ quan để tháo gỡ những điểm nghẽn làm chậm tiến độ thực hiện, hoàn thành dự án. |
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
CÁC TIN KHÁC
- Dùng kiểm toán để khơi dòng tín dụng hợp tác xã 2 Tháng Bảy, 2022
- Ngành Thuế chủ động các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thu 22 Tháng Tám, 2022
- Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai được điều động làm Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương 17 Tháng Tám, 2022
- Bản tin Tài chính – Số 02 tháng 09/2022 16 Tháng Chín, 2022
- Doanh nghiệp bị đóng mã số thuế khi nào? Cách khôi phục thế nào? 15 Tháng Năm, 2024
- Thủ tướng yêu cầu khắc phục ngay khuyết điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng 4 Tháng Mười, 2022
- Chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế: Nguồn “vốn mồi” trợ lực cho doanh nghiệp vượt khó, phục hồi 14 Tháng Mười Một, 2022
- Tư vấn chính sách thuế: Lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ nếu xuất khẩu tại chỗ 30 Tháng Mười Một, 2022
- Doanh nghiệp mòn mỏi chờ ‘room’ tín dụng: Nợ xấu tăng dây chuyền? 2 Tháng Tám, 2022
- Long An: Quy hoạch huyện Cần Giuộc thành trung tâm đô thị và công nghiệp 18 Tháng Tám, 2022