Đổi mới cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
Thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tài chính doanh nghiệp đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện đúng, đủ quy định của pháp luật, ngày 9/8, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lĩnh vực tài chính doanh nghiệp năm 2022.
Bám sát nguyên tắc tổng thể, không đánh giá từng dự án
Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện các sở, ngành, đại diện doanh nghiệp đã nghe trình bày về một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) và việc triển khai Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025” của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN tại các địa phương, thẩm quyền, nhiệm vụ, công tác tổ chức thực hiện của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Phạm Văn Đức trình bày tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Giới thiệu về các nhóm chính sách sẽ được bổ sung, sửa đổi trong Luật số 69 tới đây, ông Phạm Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, một trong những mục tiêu của chính sách là đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp tiên tiến, phù hợp thông lệ quốc tế; đổi mới cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN theo mục tiêu tổng thể.
Theo đó, sẽ quy định cụ thể nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; doanh nghiệp do DNNN sở hữu 100% vốn điều lệ… Xây dựng các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp và bám sát nguyên tắc tổng thể không đánh giá từng dự án.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung sẽ quy định rõ doanh nghiệp F1 không được cho vay với doanh nghiệp F2, bổ sung quy định rõ Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty tự chủ quyết định và chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc huy động vốn, trách nhiệm trả nợ đối với vốn huy động (xác lập cơ chế tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động vay vốn của doanh nghiệp).
Chủ tịch công ty quyết định chủ trương dự án không quá 2.300 tỷ đồng Về đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định của doanh nghiệp, quy định hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định chủ trương thực hiện từng dự án đầu tư, xây dựng, mua bán, tài sản cố định với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định chủ trương nhưng không quá mức 2.300 tỷ đồng. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty phân cấp cho Tổng giám đốc hoặc Giám đốc quyết định chủ trương thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, mua bán, tài sản cố định theo quy định tại điều lệ của doanh nghiệp. |
Về cơ cấu lại và chuyển nhượng vốn góp tại các doanh nghiệp khác, dự thảo bổ sung quy định theo hướng: việc chuyển nhượng vốn áp dụng tương tự như đối với việc chuyển nhượng vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp; việc chuyển nhượng doanh nghiệp F2 độc lập thành đơn vị phụ thuộc đảm bảo nguyên tắc doanh nghiệp F1 phải kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập trước khi chuyển đổi, việc thành lập mới doanh nghiệp có vốn góp 100% của doanh nghiệp F1 phải có đề án như thành lập mới DNNN và được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt theo phân cấp; khi chuyển nhượng dự án đầu tư phải thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định lại giá khởi điểm, đồng thời tổ chức đấu giá công khai, không áp dụng phương thức bán thỏa thuận….
Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, bổ sung nội dung điều chỉnh áp dụng như doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Riêng về nội dung xử lý phân phối lợi nhuận tại công ty cổ phần, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên cần quy định phù hợp với Luật Doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước (đối với các lĩnh vực cần tăng vốn để duy trì tỷ lệ nắm giữ) tạo sự chủ động, thuận lợi, thủ tục hoàn chính trong việc doanh nghiệp tăng vốn điều lệ theo hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời bổ sung quy định yêu cầu các công ty cổ phần có vốn nhà nước phải thực hiện đăng ký giao dịch/niêm yết trên thị trường chứng khoán, áp dụng các chuẩn mực về công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp, đối xử công bằng giữa các cổ đông và các bên lợi ích liên quan tương tự như công ty đại chúng theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Đối với doanh nghiệp do DNNN sở hữu 100% vốn điều lệ, bổ sung nội dung điều chỉnh áp dụng như doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh |
Tập trung cơ cấu lại các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ
Liên quan đến Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025”, ông Phạm Văn Đức cho biết, theo Đề án, việc cơ cấu lại DNNN tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN. Cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, không làm mất thương hiệu, bản sắc doanh nghiệp; đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn lực vốn, đất đai, thương hiệu. Đồng thời, củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Mục tiêu đặt ra trong Đề án là đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN; đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp NSNN giai đoạn 2021 – 2025 ít nhất 248 tỷ đồng theo Nghị quyết của Quốc hội. Xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN. Phê duyệt Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021 – 2025 của toàn bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN…
Bên cạnh đó, tại hội nghị, các đại biểu cũng nghe đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp giới thiệu về: Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, các thông tư hướng dẫn và định hướng sửa đổi, bổ sung; Nghị định số 148/2021/NĐ-CP và thông tư hướng dẫn; Triển khai Hệ thống thông tin quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Hệ thống MIS)… Hội nghị cũng đã thảo luận về các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật số 69 và Nghị định số 140. |
CÁC TIN KHÁC
- Hiện đại hóa công tác quản lý thuế phù hợp với thông lệ quốc tế 1 Tháng Mười Hai, 2022
- Hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử là gì? 20 Tháng Bảy, 2022
- Xây dựng kế hoạch dự toán NSNN năm 2023: Lường trước những khó khăn, thách thức để ứng phó kịp thời 8 Tháng Tám, 2022
- Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới tổ chức đào tạo chuẩn mực kế toán công quốc tế 2 Tháng Tám, 2022
- Doanh nghiệp làm gì để tăng cường sức đề kháng trước các cuộc khủng hoảng? 14 Tháng Mười Một, 2022
- 11 lĩnh vực người có chức vụ không được lập doanh nghiệp sau khi thôi chức 6 Tháng Mười, 2022
- Quy định mới về lãi suất rút trước hạn tiền gửi 5 Tháng Bảy, 2022
- Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sắp trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu 19 Tháng Chín, 2022
- Tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022 | VTC Now 6 Tháng Bảy, 2022
- Bộ Tài chính đào tạo chuẩn mực kế toán công quốc tế đợt 4 20 Tháng Mười Hai, 2022